Đó là một ngày giữa tháng 8.2016, trời trong vắt không một gợn mây. Claire McFarlane vận bộ đồ chạy quen thuộc của mình, khoác ba lô và nhảy lên xe để đi từ trung tâm Port Moresby – thủ đô của Papua New Guinea (*), đến bờ biển Ela của thành phố này. Như mọi khi, cô đang chuẩn bị thực hiện hành trình chạy 16 cây số dọc bờ biển trên đôi chân trần ở nơi mình ghé thăm. Vừa ngồi trên xe, Claire vừa ngẫm nghĩ không biết có bao nhiêu người tham gia chạy cùng mình hôm nay, hay là mình sẽ phải chạy một mình.

Claire chạy cùng mọi người tại PapuaNewGuinea, ngày 14.09.2016 - Ảnh chụp bởi Stella Magazine
Claire chạy cùng mọi người tại PapuaNewGuinea, ngày 14.09.2016 – Ảnh chụp bởi Stella Magazine

Khi đến nơi và đặt chân lên bờ biển, Claire suýt phát khóc vì cảnh tượng trước mắt. Hơn 200 người và phần lớn là người dân địa phương, đủ mọi lứa tuổi, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, đang tụ tập trên bờ biển và háo hức được chạy cùng cô. Và họ đã chạy cùng nhau, nhiều người trong số họ đã chia sẻ câu chuyện của riêng mình hoặc bày tỏ mong muốn ủng hộ và tạo nên sự thay đổi cho cuộc đời của những người sống sót sau bạo lực tình dục.

Buổi sáng định mệnh ở Paris

Claire McFarlane sinh ra ở Nam Phi và chuyển đến Úc sinh sống cùng gia đình khi cô được 15 tuổi. Năm 1998, khi chỉ mới 19 tuổi, Claire quyết định bỏ dở việc học y khoa ở Úc để đến Pháp với ước mơ trở thành họa sĩ. Để có tiền trang trải cho việc học tại L’Ecole des Beaux Arts – trường Đại học Mỹ thuật danh giá bậc nhất nước Pháp, Claire làm thêm công việc bán thời gian tại một quán bar ở Paris.

Vào lúc 3g00 sáng ngày 18.07.1999, Claire đóng cửa quán cùng đồng nghiệp và sau đó tản bộ một mình qua một lối đi nhỏ khoảng 100m để ra đường chính và đón taxi về nhà. Cô đã đi qua lối nhỏ này cả trăm lần và quen thuộc với nó như lòng bàn tay. Nhưng buổi sáng hôm đó, nơi này đã trở thành ác mộng khi một gã đàn ông đột ngột xuất hiện, tấn công cô, đánh cô và cưỡng bức cô một cách tàn bạo.

“Hắn có súng, có dao và cả những công cụ tra tấn khác. Tôi càng chống trả thì lại càng bị đánh dã man hơn. Có lúc, tôi tưởng như mình đã chết khi hắn bóp cổ tôi bằng hai bàn tay khỏe như gọng kìm, khiến tôi như ngất đi”, Claire hồi tưởng, “Tôi cứ tự nói với mình: “Mình không muốn chết, mình không muốn chết ở Paris” và cố nghĩ cách để thoát thân”.

Và rồi Claire chợt nhớ lại một khóa học sinh tồn cô từng được dạy ở trường cấp 3, do một nạn nhân từng bị tấn công bằng bạo lực chia sẻ. Cô không chống trả nữa mà chuyển sang trò chuyện với kẻ tấn công mình. “Tôi bảo rằng mình bị bệnh nan y và sẽ chết vào cuối năm nay. Ban đầu, hắn không tin tôi và càng đánh mạnh hơn. Nhưng tôi vẫn tiếp tục nói và chia sẻ rất chi tiết cuộc sống cá nhân của mình. Câu chuyện ấy không giúp tôi thoát cảnh bị đánh hay cưỡng bức nhưng đã cứu tôi thoát chết”, Claire kể lại. Và sau đó, cô đã một mình lết tới bệnh viện và phải chờ năm tiếng cho đến khi gặp được bác sĩ. Giấc mơ trở thành họa sĩ ở Paris của cô gái trẻ đã bị vùi dập tan tành.

Gần mười năm chối bỏ những tổn thương

Do mức độ nghiêm trọng của chấn thương, Claire phải ở lại Paris thêm ba tháng nữa để chữa trị. Cô cung cấp mọi thông tin cho cảnh sát nhưng cảnh sát không thể tìm ra gã đàn ông ấy. Năm 2000, Claire trở về Úc như một nỗ lực để bắt đầu lại cuộc sống. Cô cố làm cho mình thật bận rộn để không có thời gian nghĩ về cơn ác mộng tồi tệ ở Paris. “Tôi đã không cho phép mình có thời gian để nhìn lại và chữa lành những tổn thương ấy”, Clarie chia sẻ.

Claire McFarlane tại Geneva, Thụy Sỹ - Ảnh chụp bởi NicolasAnsermet
Claire McFarlane tại Geneva, Thụy Sỹ – Ảnh chụp bởi NicolasAnsermet

Nhưng mọi việc thay đổi vào tháng 6-2009. Ba tuần trước “kỷ niệm” 10 năm ngày định mệnh ấy, cảnh sát Pháp gọi cho Claire và hỏi cô có thể đến Paris trong vòng 48 giờ để phục vụ công tác điều tra không. Họ đã bắt được kẻ tình nghi tấn công Claire và kết quả DNA hoàn toàn khớp. Lúc đó, Claire đang làm việc ở Thụy Sĩ nên cô đã có thể xoay xở để đến Paris kịp giờ. “Qua cửa kính nhận diện một chiều, tôi nhận ra ngay kẻ đã tấn công mình. Đã mười năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ rõ khuôn mặt hắn ta. Ký ức kinh hoàng của đêm đó lại trở về và tôi nhận ra thế giới “vẫn ổn” mà tôi cố gắng tạo dựng trong suốt mười năm qua sụp đổ tức thì. Tôi chưa bao giờ được chữa lành. Tôi chưa bao giờ phục hồi. Tôi đã chối bỏ sự thật rằng tai nạn cưỡng bức ấy đã ảnh hưởng đến cuộc đời của tôi ra sao”, Claire thú nhận.

Và sau đó, Claire bước vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài trong sáu năm và tiêu tốn của cô 50.000 đô-la Mỹ để có thể tống giam kẻ tấn công mình vào tù. “Hệ thống pháp lý của Pháp không giống hệ thống pháp lý của Nam Phi hoặc một số quốc gia khác mà tôi biết”, Claire giải thích, “Ở Pháp, cho dù bạn là nạn nhân nhưng khi tham gia vào tố tụng, bạn vẫn phải tìm luật sư và nếu bạn là người nước ngoài, bạn phải tự trả tiền cho luật sư của mình”. Tháng 11-2011, kẻ cưỡng bức Claire cuối cùng cũng bị kết án 12 năm tù nhưng vào tháng 6-2013, hắn ta đã được phóng thích chỉ sau một phần tư thời gian thụ án. Cuộc chiến công lý của Claire đã không thể dừng lại và cô phải mất thêm bốn năm nữa để kháng cáo. Tất cả là 16 năm, kể từ ngày cô bị tấn công, để có thể kết thúc mọi chuyện. “Cuộc đời luôn lắm bất công, tôi biết”, Claire chia sẻ, “Nhưng nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm cách tiến lên phía trước và nỗ lực giúp đỡ những người khác trên hành trình của mình”.

Tự đứng lên và chữa lành vết thương cho chính mình

Claire bắt đầu mở lòng nói về câu chuyện của mình từ cách đây bốn năm. “Điều tuyệt vời nhất của chuyện này là tôi đã trao cho những người khác sức mạnh để họ kể lại câu chuyện của chính mình. Rất nhiều người kể tôi nghe câu chuyện của họ, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Rất nhiều người đã kể ra, lần đầu tiên trong đời họ. Điều tôi nhận ra qua các câu chuyện kể là có rất nhiều sắc thái của bạo lực tình dục, không chỉ là cưỡng bức. Bất kể bạn đang ở quốc gia nào, bao nhiêu tuổi, đức tin của bạn là gì, giới tính của bạn ra sao, bạn giàu hay bạn nghèo hay ở tầng lớp trung lưu, bạo lực tình dục vẫn có thể xảy ra với bạn. Bạo lực tình dục không có bất kỳ ranh giới nào và luôn “sẵn lòng” làm tổn thương chúng ta”, Claire trải lòng.

Claire và hành trình chạy trên bờ biển - Ảnh chụp bởi Larisa Armstrong
Claire và hành trình chạy trên bờ biển – Ảnh chụp bởi Larisa Armstrong

Cũng trong quá trình đấu tranh pháp lý tại Paris, Claire thường chạy bộ để giải tỏa căng thẳng. Cô đặc biệt thích chạy trên bờ biển. Và dần dần cô nhận thấy, chạy bộ chân trần trên biển thật sự là một hoạt động thể chất rất đặc biệt, mang lại cho cô cảm giác thư giãn hơn, mạnh mẽ hơn và từ đó, cô cảm thấy an toàn hơn. Đó cũng là lúc cô gắn bó thường xuyên với môn thể thao này và sử dụng nó như một liệu pháp tinh thần để tự chữa lành những tổn thương trong quá khứ.

Năm 2014, Claire chia sẻ câu chuyện của mình trên một tờ báo của Úc và bài báo nhanh chóng được lan truyền rộng rãi khắp thế giới. Câu chuyện của Claire đã tiếp thêm can đảm cho những nạn nhân của bạo lực tình dục phá vỡ sự im lặng. Đó cũng là lúc Claire nhận ra rằng cô có thể tạo nên những thay đổi tích cực để giúp đỡ và truyền cảm hứng cho những nạn nhân khác, giúp họ không còn là nạn nhân nữa mà trở thành những người sống sót dũng cảm.

“Tôi thích tự gọi mình là một người sống sót hơn là một nạn nhân”, Claire cho biết, “Nhìn nhận mình là người sống sót là một bước ngoặt trong quá trình phục hồi, khi chúng ta bắt đầu lấy lại được sức mạnh của mình. Tôi đã từng tự xem mình là nạn nhân trong suốt một thời gian dài và tôi chỉ xem mình là một người sống sót sau khi đã tự chữa lành những tổn thương. Và những người sống sót khác cũng vậy. Họ không phải nạn nhân, họ là những người sống sót quả cảm. Rất nhiều người đã xem tôi như là một điển hình của việc từ một nạn nhân trở thành người sống sót và giờ là một anh hùng”.

Claire chạy cùng một bé gái tại New Zealand, ngày 20.08.2016 - Cung cấp bởi Footsteps to Inspire
Claire chạy cùng một bé gái tại New Zealand, ngày 20.08.2016 – Cung cấp bởi Footsteps to Inspire
FTI India Group, 20th Nov 2016 - Photo by Manan Dhuri
Claire chạy cùng với FTI India Group, 20.11.2016 – Ảnh chụp bời Manan Dhuri

Claire bắt đầu nghĩ đến việc tạo ra một không gian an toàn, cởi mở, để khuyến khích những cuộc đối thoại xoay quanh bạo lực tình dục, truyền cảm hứng để thay đổi và giúp những người sống sót vượt qua nỗi đau của họ. Và vì vậy, Footsteps to Inspire (tạm dịch: Những bước chân truyền cảm hứng) đã ra đời. Claire quyết định nghỉ việc, bán hết những tài sản giá trị để gây quỹ và dành ra sáu năm trong cuộc đời mình để chạy 16 cây số dọc theo 230 bãi biển trên toàn thế giới. Cô luôn chạy chân trần bất cứ khi nào có thể. Quãng đường chạy 16 cây số ở mỗi bãi biển tượng trưng cho 16 năm chiến đấu để sống sót của cô.

Hành trình của Claire bắt đầu tại Nam Phi – quê hương cô, vào ngày 18 tháng 7 năm 2016 – ngày định mệnh của cuộc đời cô, và dự định sẽ kết thúc vào ngày 18 tháng 7 năm 2022 tại Pháp. Đến nay, Claire đã chạy trên 46 bãi biển ở 45 quốc gia, bao gồm New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Scotland Namibia, Kenya, Malaysia, Singapore và khu vực Trung Mỹ. Quốc gia thứ 45 chính là Việt Nam. “Tôi đã ghé thăm thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam và chạy trên bãi biển Hồ Tràm vào ngày 2.12 vừa qua. Một ngày đầy nắng và gió”, Claire chia sẻ, “Tôi đã chọn Hồ Chí Minh thay vì Hà Nội vì theo như tôi tìm hiểu, Hồ Chí Minh không có nhiều các tổ chức hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em như Hà Nội. Tôi cảm thấy rất lạ vì Hồ Chí Minh là thành phố kinh tế lớn nhất Việt Nam và vì vậy, chắc chắn sẽ có rất nhiều người cần được giúp đỡ. Tôi nghĩ tôi cần đến đây để bắt đầu những cuộc đối thoại của mình”.

Claire at Ho Tram beach, Vietnam, 2nd Dec 2018 - Provided by Footsteps to Inspire
Claire tại bãi biển Hồ Tràm, Việt Nam, vào ngày 2.12.2018 – Ảnh cung cấp bởi Footsteps to Inspire

Ở mỗi quốc gia Claire ghé thăm, cô đều cố gắng kết nối với các dịch vụ, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm cộng đồng để tổ chức các buổi trò chuyện và chia sẻ câu chuyện của mình với những người sống sót khác. Cô mong muốn chính phủ và cộng đồng hiểu được các vấn đề mà những người sống sót trên khắp thế giới phải đối mặt và từ đó, giang tay giúp đỡ họ. “Không ai nghi ngờ gì về việc những quốc gia như Nam Phi có tỷ lệ cưỡng bức cao như thế nào. Nhưng hầu hết chúng ta lại quên mất rằng có rất nhiều quốc gia khác có tỷ lệ bạo lực tình dục tương đương, chỉ là không được báo cáo hoặc không bị phát giác”, Claire chia sẻ, “Ở Anh, nửa triệu người bị xâm hại tình dục mỗi năm. Ở Mỹ, cứ mỗi 90 giây sẽ có một người bị xâm hại tình dục. 230 triệu trẻ em bị quấy rối tình dục hàng năm. Vấn nạn này xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, hàng ngày, và hầu hết thủ phạm là người quen của nạn nhân. Đáng buồn thay, luật pháp ở một vài quốc gia lại không đứng về phía nạn nhân. Nạn cưỡng bức cũng đồng hành với “văn hóa” im lặng và xấu hổ kéo dài. Các nạn nhân luôn có khuynh hướng tự đổ lỗi cho mình hoặc cảm thấy tội lỗi vì những gì đã xảy ra. Họ cần được giúp đỡ và đây không còn là chuyện cá nhân nữa. Đây là chuyện của tất cả chúng ta, cả thế giới phải cùng chung tay để làm cho mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn”, Claire chia sẻ.

The article about Claire on Ho Chi Minh Sunday Women Magazine - Provided by the author
Bài viết về Claire trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật TP. HCM – Ảnh do tác giả cung cấp

Và đó là những gì mà Claire hy vọng cô sẽ làm được, sẽ truyền cảm hứng cho mọi người rằng họ là một phần của sự thay đổi tích cực. Người phụ nữ mạnh mẽ đã sáng lập nên Footsteps To Inspire sẽ tiếp tục chạy hơn 3.500 cây số nữa, cho đến khi cô có thể tiếp cận những người sống sót ở khắp nơi trên thế giới. Claire biết rằng Footsteps To Inspire đã tạo nên những dấu ấn tích cực và một ngày nào đó sẽ có thể giúp kết thúc bạo lực tình dục một cách hòa bình. Đó là hành trình kết nối, chia sẻ và giúp đỡ những người sống sót khác vượt qua những ngày đen tối trong cuộc đời họ. Claire chỉ mới đi được một phần năm hành trình. Chuyến đi của cô vẫn còn rất dài, rất xa, đến rất nhiều quốc gia và không hề dễ dàng. Mỗi ngày, cô đều phải lắng nghe những câu chuyện bi thương và đặt chân đến những nơi nguy hiểm, buộc cô luôn phải cảnh giác để an toàn. Claire không nản lòng vì phong trào đang định hình và vì có hàng nghìn người trên thế giới đang ủng hộ cô. Cô muốn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình để phá vỡ sự im lặng và truyền cảm hứng cho người khác. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng chúng ta luôn có thể tạo nên sự khác biệt và tạo nên một thế giới an toàn hơn cho tất cả.

CAO BẢO VY

Phỏng vấn nhanh với Claire:

Rất tuyệt! Đường chạy hôm nay hơi khó một chút vì gió và cát nhưng tôi đã hoàn thành và tự thưởng cho mình một cốc nước dừa rất ngon. Đất nước của các bạn thật xinh đẹp và người dân rất tử tế.

Vâng, tôi có chứ nhưng các quốc gia được sắp xếp một cách ngẫu nhiên và không theo thứ tự nào cả, bởi vì từ chuyến đi đến quốc gia thứ tư, tôi nghiệm ra không nên lên kế hoạch quá chi tiết. Hai ngày trước chuyến đi ấy, tôi đã bị từ chối nhập cảnh và phải chuyển sang quốc gia thứ năm. Tôi học được cách chấp nhận những chuyện ngoài kế hoạch và đôi khi phải chiều theo ý cuộc sống. Giờ đây, tôi thường lên kế hoạch mỗi lần cho khoảng 8 quốc gia để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Claire and the author, Cao Bao Vy - Provided by the author
Claire và tác giả bài viết, Cao Bảo Vy – Ảnh do tác giả cung cấp

Vâng, thỉnh thoảng tôi chạy một mình nhưng không nhiều, chỉ khoảng 6 trong 45 quốc gia. Điều làm tôi bận tâm nhất là sự an toàn của chính mình. Cũng như ngày Chủ nhật cách đây hai tuần tôi chạy ở Hồ Tràm. Bãi biển rất dài và hoang vắng, khiến tôi cảm thấy lo lắng. Nhưng tôi luôn có kế hoạch dự phòng cho mình. Tôi bơi rất giỏi nên nếu chẳng may có kẻ xấu xuất hiện, tôi sẽ nhảy xuống biển và bơi để thoát thân.

Thật ra, tôi là một người hướng nội (tôi biết, điều này nghe có vẻ thật lạ lùng khi tôi đang đi khắp thế giới để kết nối mọi người nhưng sự thật là vậy). Vì vậy, khi chạy một mình, tôi cảm thấy rất thoải mái và không hề phiền lòng. Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy buồn, đặc biệt khi mọi người hẹn đến chạy cùng nhưng lại không đến. Nhưng suy cho cùng, tôi đang nỗ lực cho nhận thức của cộng đồng về bạo lực tình dục nên chuyện này không quá quan trọng.

Tôi đã bán hết mọi thứ có thể để có tiền trang trải cho hành trình của mình. Quỹ dự phòng của tôi đã gần hết và tôi đã lập nên một trang web để gây quỹ cho Footsteps To Inspire tại địa chỉ: www.chuffed.org/project/footstepstoinspire và tôi trân trọng mọi khoản đóng góp dù lớn hay nhỏ của các bạn. Bạn cũng có thể theo dõi hành trình của tôi trên mạng xã hội bằng cách gõ từ khóa @footstepstoinspire.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Before you post, please prove you are sentient.

What is 6 multiplied by 5?