Quán Cây Thông Xanh
Bà Phương ngồi nơi chiếc bàn quen thuộc, chiếc bàn cạnh cửa sổ nhìn ra đường ray nơi mỗi ngày sẽ có ít nhất một chuyến tàu chạy qua. Chiếc bàn vẫn như mọi năm, chỉ vừa cho hai người ngồi, màu sơn trắng cũ kỹ đã ngả vàng và bong tróc nhiều nơi. Khăn trải bàn sọc ca-rô xanh đỏ chỉ vừa phủ mép bàn. Trên bàn đặt một chậu hoa trạng nguyên nhỏ với hai chiếc đĩa trắng đối diện nhau. Một bên đĩa là bộ dao nĩa sáng choang xếp ngay ngắn, bên còn lại là chiếc khăn ăn trắng tinh gấp ba. Trong lòng đĩa lấp lánh những quả thông nhựa giả gỗ phủ nhũ vàng. Thật là một cảm hứng hoàn hảo cho đêm Giáng sinh!
Chiếc ghế bà Phương ngồi cũng là chiếc ghế cũ kỹ quen thuộc. Kiểu ghế xếp cổ xưa sơn màu trắng và màu sơn cũng đã đượm màu thời gian. Khung cửa sổ nơi bà ngồi vẫn những chấn song ấy, màu sơn ngọc bích ấy và trông ra khoảng không gian quen thuộc, nơi có con đường ray đã hơn trăm tuổi với cỏ mọc cao quá gối. Nhìn xa hơn là những mái nhà nhỏ thấp thoáng ánh đèn mà ngồi từ nơi này hướng ra, trông chúng như những ngôi sao đang tỏa sáng khiêm tốn giữa bầu trời đen đặc quánh.
Nhạc vẫn là những bài nhạc Giáng sinh xưa cũ, hình như chủ quán luôn để dành lại những chiếc đĩa nhạc Giáng sinh mỗi năm và tái sử dụng lại chúng mỗi khi tháng 12 gõ cửa. Giai điệu bình yên của Silent Night vang vọng khắp quán đôi khi tạo ra một cảm giác kỳ quặc vì nơi này chẳng yên lặng tí nào. Người ta gọi nhau, trêu đùa nhau, chúc mừng nhau. Cô bồi bàn hỏi đôi tình nhân có muốn dùng thử món nước sốt mận đặc biệt không, ông chủ quán bụng bự ngồi sau quầy luôn miệng nói cười và mời bia khách, vài người quen cũ nhận ra nhau và nhanh chóng kéo bàn để nhập hội… Họ nói vừa đủ nghe, cười vừa đủ nghe, những âm thanh đan xen nhau tạo nên một kiểu ồn ào dễ chịu và ấm áp. Dường như chẳng có điều gì xa lạ ở chốn này, dường như chẳng có ai cô đơn ở chốn này.
Trừ bà Phương và chiếc ghế lạnh lẽo trống không đối diện bà.
***
Căn phòng trọ số 22/12/8…
My kéo chiếc va li ra giữa nhà, mở bung ra và bắt đầu tống vào đó những hành trang ít ỏi của cô. Những chiếc áo sơ-mi kiểu dáng đơn giản, hai chiếc quần jeans xanh bạc thếch, dăm đôi vớ da, dăm đôi giày, chiếc áo khoác bằng len màu xám tro mà cô nâng niu hết sức sau khi đã bỏ 1/3 tháng lương ít ỏi để tậu về, một vài cây son đã gãy… Vậy đó, sau hơn năm năm lăn lộn ở thành phố, gia sản của cô chỉ vậy thôi, vừa đủ gói gọn trong chiếc va li nhỏ đã sờn hết các góc, mòn hết cả các bánh xe sau nhiều tháng ngày lang thang cùng cô khắp các con đường, ngã phố.
My lục tung hết tất cả ngóc ngách của căn phòng trọ 9 mét vuông để tìm xem có vật quý giá nào sót lại không. Cơn gió lạnh cuối năm bỗng từ đâu ùa vào phòng khiến cô rùng mình, vơ vội chiếc áo khoác xám choàng ngay vào người. Cảm giác cô đơn và buồn tủi ập đến khiến My mệt mỏi đến cùng cực, cô chẳng buồn dọn dẹp nữa, hai tay ôm lấy đầu gối, co mình lại để tự sưởi ấm. Mái tóc dày đen nhánh của cô xõa trên lưng, đôi mắt đen thăm thẳm nhìn vào khoảng không vô định trước mặt. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi, My sẽ rời khỏi nơi này, bắt chuyến xe đêm trở về quê, bỏ lại sau lưng tất cả những gì cô đã từng mơ ước.
***
Một ngôi nhà trong xóm đạo
Chị đứng tần ngần trước ngôi nhà nhỏ, vách tường xám chăng những dây đèn chiếu sáng rực rỡ. Trên những chấn song sắt của ô cửa sổ, ai đó đã treo lên một chiếc đèn ông sao năm cánh. Trên cánh cửa gỗ đang mở hé ra, một vòng nguyệt quế màu xanh điểm những chú tuần lộc vàng đang tỏa sáng lấp lánh một cách đầy kiêu hãnh. Bên trong ngôi nhà đang có rất đông người, họ cười nói, trêu đùa, vui vẻ gọi nhau. Tiếng cười của họ hòa lẫn với tiếng nhạc Jingle Bells vang vọng ra tận nơi chị đứng và từ đó tỏa đi khắp con hẻm nhỏ.
Chị cúi nhìn mình từ dưới chân rồi ngược lên trên. Chị mang một đôi giày vải đế mềm màu đỏ, mặc một chiếc quần kaki màu xanh lá, áo ống màu vàng và khoác bên ngoài chiếc áo len màu đỏ. Những màu sắc tươi mới, rực rỡ nhất mà chị có thể tìm thấy trong tủ quần áo đều đã được chị vận lên người. Trên tay chị là một hộp quà hình chữ nhật khá nặng tay, gói giấy đỏ và thắt nơ xanh, rực rỡ không kém. Ấy vậy mà sao chị trông thấy mình vẫn buồn tẻ và lạc lõng đến vô duyên trước khung cảnh vui tươi, tràn ngập màu sắc và âm thanh này. Chị cứ đứng mãi trước cổng ngôi nhà, hết nhìn dây thường xuân xanh quấn quanh cổng rào đến nhỏng tai nghe những giai điệu thánh thót vọng ra từ chiếc đàn piano, chân cứ ngập ngừng dợm bước vào xong lại đứng yên tại chỗ. Lâu lắm rồi, chị không đến những buổi họp mặt như thế này và chị sợ nếu mình bước vào, tâm trạng u ám của mình sẽ phá hỏng hết đêm Noel vui vẻ của những người xa lạ.
Nhưng, chị được mời đến cơ mà, chứ có phải chị tự đến đâu?
Quán Cây Thông Xanh
Cô phục vụ nghiêng người duyên dáng đặt trước mặt bà Phương một chiếc đùi ngỗng quay béo ngậy và lát bánh mì xốp giòn. Cô cũng đặt xuống mặt bàn đối diện bà một lát bò bít tết ngon lành cùng những miếng khoai tây chiên giòn rụm. Cô mỉm cười nhìn bà thân thiện: “Bạn của cô vẫn chưa đến ạ?”. Bà Phương ngước nhìn cô hiền hậu: “Ừ, chồng cô đến trễ, cháu cứ để đó”. Cô phục vụ quay đi rồi, bà mới lặng lẽ lấy từ trong túi xách ra một khung ảnh nhỏ bằng giấy cứng, lồng tấm ảnh chân dung đen trắng của chồng bà, đặt lên bàn cạnh đĩa bít tết. Bà nhìn ông trong tấm ảnh, đôi mắt sáng lấp lánh, mái tóc hớt cao gọn gàng, miệng cười rất tươi. “Thiệt tình, tôi đang buồn rũ thế này mà trông ông vẫn hớn hở thế à?”, bà lẩm nhẩm trách yêu chồng rồi mỉm cười, mắt long lanh nước.
Mười năm nay, Giáng sinh nào, bà cũng đến đây cùng chồng. Bà sẽ gọi đùi ngỗng quay, còn ông sẽ gọi bò bít tết. Họ vừa ăn tối, uống rượu vang vừa nghe nhạc Giáng sinh và kể chuyện vui cho nhau nghe. Khoảng 12 giờ đêm, quán sẽ tắt hết đèn, chỉ còn lại ánh sáng lấp lánh của cây thông và những ngọn nến trên bàn. Các vị khách sẽ cùng đứng lên, hát hò và nhảy múa. Ông bà sẽ không bỏ lỡ cuộc vui, cũng sẽ đứng lên nhún nhảy và cười thật to. Đến gần 2 giờ sáng, họ mới trở về nhà, chen lấn trên những con đường ken đặc người. Ông luôn nắm chặt tay bà luồn lách giữa dòng người đông đúc, không lúc nào buông ra, không lúc nào buông ra…
Đã mười năm rồi, Giáng sinh nào cũng vậy, kể từ ngày bà buộc phải chấp nhận rằng vĩnh viễn mình không thể sinh con. Năm ấy, họ 38 tuổi, cưới nhau mười năm là hết bảy năm đi chữa hiếm muộn. Họ đi khắp nơi, sang cả những bệnh viện nổi tiếng ở Thái Lan, Singapore… nhưng đều vô vọng. Ban đầu, hành trình chữa bệnh rất nhẹ nhàng, họ không lo vì còn trẻ, còn khỏe, còn thời gian. Rồi đến một lúc, bà nhận ra mình đang già đi, đã bước qua độ tuổi khuyến cáo không nên sinh con của y học, tiền trong tài khoản hao hụt đáng kể sau những chuyến chữa trị không kết quả. Bà bắt đầu hốt hoảng, lo lắng, bấn loạn. Có những đêm, bà giật mình tỉnh dậy rồi bật khóc nức nở như đứa trẻ. Có những khi, bà gào thét, xua đuổi ông, bảo ông đi lấy vợ khác mà sinh con đi. Rồi lại có lúc, bà ngồi sụp xuống ôm chân ông van xin ông đừng bỏ rơi bà, bà không còn ai, không còn gì cả. Bất kể bà làm gì, ông luôn im lặng, ôm bà vào lòng và vỗ về đến khi bà ngừng khóc, ngừng la hét, ngừng van xin. Họ ôm lấy nhau trong im lặng, rất lâu.
Đến năm 38 tuổi, ông quyết định ngừng hành trình tìm con. “Vất vả thế là đủ rồi, đã không thể có con, mình đừng cố nữa. Cứ tận hưởng cuộc sống đi em”, ông buông một câu nhẹ nhàng rồi gom hết tất cả hồ sơ bệnh án, giấy xét nghiệm, siêu âm… trong mười năm trời đốt hết tất cả. Họ cũng định xin con nuôi nhưng sau khi tính toán lại thì không còn đủ khả năng tài chính để nuôi một đứa trẻ từ khi còn ẵm ngửa đến lúc trưởng thành. Mười năm trời ròng rã chữa hiếm muộn không chỉ vét sạch tài sản mà còn khiến họ nợ ngân hàng một khoản tương đối lớn. Ông bảo: “Thôi, không xin con nuôi nữa, giờ chúng ta cố gắng đi làm, trả xong hết nợ, mình đi du lịch vòng quanh thế giới”. Đêm nằm cạnh ông, nghe ông kể chuyện sau này trả nợ xong, ông sẽ dẫn bà lên núi Phú Sĩ, đi đảo Jeju, có thể còn sang Hà Lan ngắm hoa tulip nữa… mà bà thầm cảm ơn cuộc đời đã cho mình gặp ông. Bà vô phước không sinh được con nhưng may mắn lấy được ông làm chồng. Nếu không có ông, bà không biết rồi mình sẽ sống thế nào.
Cũng từ dạo ấy, mỗi dịp Giáng sinh, ông lại dẫn bà đến quán Cây Thông Xanh ăn tối. Đó là một quán ăn Tây nằm ở ngoại ô thành phố, cạnh một đường ray xe lửa. Quán dễ thương, ấm cúng, thức ăn ngon nên dù ở ngoại ô, giá vẫn không hề rẻ, thậm chí còn đắt hơn quán ở trung tâm vì “Ở đây, khách không chỉ được ăn ngon, phục vụ tốt mà còn được hít thở không khí trong lành”, như lời chủ quán nói. Mỗi bữa ăn của họ cứ sau hai, ba năm lại tăng giá lên chút ít và cho đến năm ngoái, nó đã hơn một triệu đồng cho một bữa tối. Nhưng với họ, chuyện đó không thành vấn đề. Cả năm làm việc vất vả để chi tiêu và trả nợ, hai vợ chồng bà cảm thấy mình rất xứng đáng để có một bữa tối Giáng sinh ngon miệng và sang trọng hơn thường ngày. Đó cũng là cách để họ bước qua năm cũ, đón chào năm mới với niềm háo hức không che giấu về khoản nợ đang ngày một nhỏ đi và chẳng mấy chốc, họ có thể cùng nhau đi du lịch khắp nơi.
Nhưng, điều đó sẽ mãi mãi chỉ là một giấc mơ mà thôi. Ông ra đi đột ngột sau một tai nạn giao thông, ra đi mà không kịp trăn trối hay nắm tay bà lần cuối. Ông ra đi khi khoản nợ của họ vừa trả dứt được vài ngày và ông hẹn bà Giáng sinh năm sau, họ sẽ không ăn tối ở quán Cây Thông Xanh nữa mà sẽ là ở một nơi đâu đó có tuyết rơi trắng xóa, trong trang phục mùa đông kín cổ và khăn choàng thật ấm. “Cứ tưởng tượng như mình đang 18 ấy mà”, ông đùa tếu táo. Hẹn hò vậy đó, thắm thiết vậy đó, mà ông đi là đi, chẳng kịp cho bà trở tay, chẳng kịp cho bà khóc, chẳng kịp cho bà đi theo.
Nhận ra đôi mắt đã nhòe nước, bà lặng lẽ lau khô đôi mắt mệt mỏi rồi nhẩn nha ăn món ngỗng quay béo ngậy. Thỉnh thoảng, bà xới nĩa vào món bít tết của ông, nhấm nháp chút hương vị thịt bò. Bà nheo nheo đôi mắt nhìn quanh, mọi người vẫn rôm rả nói cười, nhạc Giáng sinh vẫn rộn ràng khắp quán. Rồi bà lại nhìn ra cửa sổ, con đường ray xe lửa phủ cỏ xanh um vẫn nằm im lìm. Nhưng, chỉ khoảng 30 phút nữa thôi, nó sẽ rầm rập rung chuyển khi xe lửa chạy qua. Bà biết, vì Giáng sinh năm nào bà cũng ngồi đây và trông thấy đoàn tàu to lừng lững ấy. Bà biết, vì bà đang ở đây đợi nó, nó sẽ đưa bà đi gặp ông. Bà đã gắng gượng suốt mấy tháng qua để lo cho ông mồ yên mả đẹp, bà đã gắng gượng chờ đến Giáng sinh để đến đây ăn cùng ông bữa tối cuối cùng. Và giờ, bà kiệt sức rồi, bà không thể cố thêm được nữa, bà đang mong đoàn tàu đến thật nhanh để rồi nó sẽ đưa bà đi thật nhẹ nhàng. Bà sẽ đến nơi ông đang chờ bà, bất kể đó là đâu.
***
Căn phòng trọ số 22/12/8…
My đã ngồi yên như thế rất lâu, giữa ngôi nhà không một ánh sáng. Đêm nay là đêm Giáng sinh, nhưng khu nhà trọ buồn tẻ của cô lại im lìm trong bóng đen đặc quánh. Cúp điện ở nơi này là thường xuyên, bất kể là ngày thường hay lễ, Tết. Cả xóm xài điện câu nên cứ hễ một nhà nào đấy chưa kịp đóng tiền, bà chủ béo tốt lại “phạt” cả xóm bằng cách cúp điện ngang. Mới đầu, cư dân xóm trọ còn lao xao, truy hỏi xem ai chưa đóng tiền để mọi người bị vạ lây. Sau, họ xem như chuyện bình thường bởi cả xóm tuy không hẹn nhưng cứ xoay tua nhau thiếu tiền nhà. Khổ, ai cũng nghèo như ai.
Mệt mỏi, My ngã vật ra giữa nhà, chăm chăm nhìn bóng tối trước mặt. Giờ này, mẹ đang làm gì ở nhà nhỉ? Chắc là đang xay bột, đổ khuôn cho mẻ bánh bèo chén sáng mai. Còn thằng em cô, chắc đang la cà đá banh đá bóng với lũ bạn hàng xóm sau một ngày vất vả ở trường. My nhẩm tính, chuyến này về quê, sau khi trừ hết các khoản tiền nhà, vé xe… chắc cô cũng còn dư được một ít mua cho mẹ và em mỗi người một chiếc áo mới. Quà của cô đấy, quà của cô con gái kiên quyết bỏ quê lên thành phố để đổi đời, để thực hiện ước mơ trở thành ca sĩ. Quà thật đắt tiền, bằng cát-xê hai buổi tối đi hát lót của cô chứ chẳng ít! My mỉm cười chua chát, nước mắt lăn dài trên gò má tự lúc nào.
Từ bé, My đã hát rất hay. Bà con, hàng xóm bảo My thể nào cũng sẽ thành ca sĩ nổi tiếng. Đến tuổi đi học, My luôn là giọng hát chính trong đội văn nghệ của trường. Như một lẽ hiển nhiên, My ấp ủ ước mơ trở thành ca sĩ, được đứng trên sân khấu lộng lẫy, cất giọng hát cao vút cho hàng nghìn, hàng vạn người nghe và nhận những tràng vỗ tay tán thưởng từ họ. My sẽ hát cho họ quên đi nỗi buồn, quên đi khốn khó, quên đi những tủi nhục và cô đơn, như cái cách cô vẫn xoa dịu mẹ hàng đêm sau khi bố bỏ mẹ con cô để chạy theo người đàn bà khác. My sẽ hát miệt mài, hát không mỏi mệt, dốc hết ruột gan để hát, để kiếm tiền, để xây cho mẹ và em căn nhà mới, nuôi em ăn học thành tài. Vậy đấy, đó là tất cả ước mơ cô gói ghém mang theo khi vẫy tay chào tạm biệt mẹ và em ở bến xe hơn năm năm trước để vào Sài Gòn. Cô đi với niềm tin chắc chắn rằng mình sẽ thành công, mình sẽ lo được cho mẹ và em, mình sẽ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp như mình mong muốn.
Nhưng Sài Gòn hoa lệ đã vùi dập ước mơ của cô không thương tiếc. Vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, My ngỡ ngàng nhận ra chỉ có tiếng hát thôi không đủ để cô thực hiện ước mơ. Để có thể trụ lại được Sài Gòn và đêm đêm hát lót ở các quán bar cho thỏa đam mê, ban ngày My phải chạy sấp ngửa với đủ thứ việc không tên. Phục vụ bàn, phát tờ rơi, giúp việc theo giờ… việc gì cô cũng làm, miễn lương thiện và có tiền. Một thời gian sau, My được nhận vào một nhóm hát bè nổi tiếng, chuyên hát bè cho các ca sĩ lớn trên sân khấu. My mừng lắm, những tưởng cơ hội đã mở ra cho mình. Cô mường tượng trong đầu giờ mình chăm chỉ đi hát bè, họ thấy mình hát hay sẽ cho mình cơ hội. Nhưng một năm, hai năm, rồi năm năm trôi qua, cô mãi mãi chỉ là “thú nhún”. Các ca sĩ nổi tiếng vẫn thường gọi những người hát bè cho mình bằng biệt danh như vậy đấy. Lúc đầu bị gọi như thế, cô giận lắm nhưng sau thành quen, thành chai rồi thành vô cảm trước ước mơ đang ngày càng thoi thóp của mình.
Chẳng biết My sẽ còn ở Sài Gòn làm “thú nhún” bao lâu nữa nếu mẹ không gọi cô về. Bà bảo con đi lâu lắm rồi, mẹ nhớ con lắm rồi, thôi đừng làm ca sĩ nữa, về đây với mẹ, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Thằng em cũng réo My về, nó bảo về đây nhà cửa rộng rãi, mát mẻ không sướng sao, ở chi cái nhà trọ bé tí như lỗ mũi, nóng hầm hập còn thường xuyên cúp điện. Nó bảo chả cần My nuôi ăn học, nó tự lo được, đừng hành hạ bản thân thế nữa. My im lặng nghe. Cô cũng muốn về lắm nhưng chẳng lẽ nhọc nhằn năm năm bám trụ Sài Gòn, giờ cô bỏ hết để quay về quê? My thật không cam tâm nên cứ lần khần, cho đến khi cô bị đuổi khỏi đội “thú nhún” sau một va chạm với một nữ ca sĩ trẻ. Như giọt nước tràn ly, My kiệt quệ tinh thần và ốm suốt một tuần liền. Sau khi khỏi bệnh, cô quyết định trở về nhà, nơi có mẹ và em đang chờ. Chỉ có ở nơi đó, cô mới thấy mình còn được yêu thương.
Nhưng, quyết định là quyết định vậy, My vẫn thấy trăn trở trong lòng, vẫn thấy trái tim mình như bị ai bóp nghẹt khi nghĩ đến việc sẽ không bao giờ ca hát nữa. Liệu còn con đường nào khác cho cô không? Liệu còn cách nào khác để vẫn hạnh phúc mà không cần phải hát nữa không?
***
Một ngôi nhà trong xóm đạo
Đã 15 phút trôi qua, chị vẫn đứng trước cổng ngôi nhà. Sau cùng, chị thở dài và quyết định quay lưng đi. Nhưng vừa lúc đó, cánh cửa mở rộng ra và Hamah ùa ra như cơn lốc, ôm chầm lấy chị: “Trời ơi, sao giờ này mới đến? Vào nhanh đi, mọi người đang chờ Uyên đấy!”. Chẳng để chị kịp phản ứng, Hamah kéo tuột chị vào trong. Vừa bước qua ngưỡng cửa, chị không khỏi choáng ngợp trước khung cảnh trước mắt.
Trong diện tích vỏn vẹn chừng 40 mét vuông, từng phân, từng li của ngôi nhà đều phủ đầy màu sắc. Góc này là chiếc piano màu trắng được tô điểm bằng những dải lụa đỏ mềm mại, một anh Tây da trắng đang ngồi đánh đàn, đầu lúc lắc vui nhộn bên dưới chiếc mũ Noel đỏ rực. Vây quanh anh là những vị khách trong trang phục đủ màu sắc, người cài tai tuần lộc, người đeo băng đô hình người tuyết… hát hò theo nhạc. Đối diện chiếc đàn piano là chiếc bàn nước nhỏ chất đầy những hộp quà đủ hình dạng, màu sắc, sáng lấp lánh dưới ánh đèn vàng dễ chịu. Góc kia, chếch với cửa ra vào, một cây thông Noel rực rỡ và kiêu hãnh với hàng tá những dây ruy băng màu bạc và vàng đồng phủ khắp thân cây, đan xen là những quả châu bằng pha lê màu hồng tím. Trên khắp các bức tường của ngôi nhà, đâu đâu cũng thấy không khí Giáng sinh, nơi này là một cánh thiệp đỏ, nơi kia là bức hình vẽ ông già Noel bằng chì màu, những ngôi sao nhỏ màu đồng và bạc thì nhiều vô số kể, tựa hồ như muốn lấp hết cả không gian nhỏ bé và ấm cúng này.
Nơi này thật rực rỡ quá, vui tươi quá, khác xa với ngôi nhà ảm đạm và buồn tẻ của chị. Đã lâu lắm rồi, kể từ sau khi ly hôn chồng, chị không còn biết Giáng sinh là gì. Chị đã từng rất yêu Giáng sinh, rất hạnh phúc trong Giáng sinh, nhưng tất cả đã là quá khứ. Những năm tháng sau này, mỗi khi đến Giáng sinh, chị chỉ còn cảm giác cô đơn, trống trải và tủi thân đến cùng cực.
Chị và chồng cũ quen nhau rồi yêu nhau cũng trong những mùa Giáng sinh của tuổi trẻ. Năm chị 27 tuổi, cả gia đình được bảo lãnh sang Mỹ. Biết tin chị sắp đi, anh đã quỳ xuống, ôm lấy chân chị và xin chị hãy ở lại với anh. Chị không nỡ đi. Vậy là ở lại và làm đám cưới. Hôn lễ của họ diễn ra đúng đêm 24-12 của năm năm trước, tại biệt thự anh mượn của một người bạn. Đó là một hôn lễ có rất nhiều hoa, nhiều ánh nến, nhiều những ngôi sao lấp lánh và cả một cây thông to rực rỡ treo đầy những tấm ảnh của họ suốt những năm tháng yêu nhau. Anh quá chu toàn, quá lãng mạn và chị chẳng có gì để phàn nàn về đám cưới như mơ ấy.
Sau đám cưới, họ dọn về ở trong căn hộ cao cấp mà bố mẹ tặng chị như của hồi môn. Căn hộ không quá lớn nhưng xinh đẹp và tươm tất. Anh là một kiến trúc sư nên mọi ngóc ngách của ngôi nhà đều được anh tu sửa, trang trí đẹp mắt. Nhất là mỗi dịp Giáng sinh về, ngôi nhà của họ luôn trang hoàng rực rỡ, luôn có những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng với rượu vang và thịt nướng. Bạn bè ngưỡng mộ họ, chị ngưỡng mộ anh và hài lòng với lựa chọn của mình.
Nhưng, cũng như ai đó đã nói, hạnh phúc như một giấc mơ và con người ta rồi sẽ phải thức dậy. Chị đã bị đánh thức sau ngày cưới ba năm bởi một cuộc điện thoại từ một cô gái lạ. Một nữ kiến trúc sư xinh đẹp, người tình trong bóng đêm của anh. Họ đã lén lút qua lại với nhau bằng đúng thời gian mà anh yêu và cưới chị. Anh ngọt ngào, lãng mạn với chị thế nào thì cũng ngọt ngào, lãng mạn với người ta thế ấy, thậm chí còn có phần hơn. Anh đi công tác, mua về cho chị hộp sô-cô-la rượu làm quà thì cô ấy sẽ có một hộp y thế nhưng to hơn. Ngày 8-3, anh tặng chị một chiếc cài áo đính ngọc trai, cô ấy cũng có một chiếc nhưng đắt tiền hơn. Dịp Giáng sinh, anh tặng chị tấm khăn choàng lụa làm quà thì cô ấy sẽ có đến hai chiếc khăn như thế.
“Tôi yêu anh ấy, anh ấy cũng yêu tôi nhưng tôi không hiểu vì sao anh ấy chọn chị làm vợ mà không phải là tôi. Tôi đã hỏi anh ấy rất nhiều lần, anh ấy chỉ bảo mọi chuyện đều có lý do của nó và tôi không cần phải biết những lý do ấy. Tôi yêu được thì yêu, không thì chia tay. Quá yêu anh ấy, tôi đã trở thành kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình chị. Tôi biết tôi có lỗi với chị nhưng tôi không làm sao dứt anh ấy được. Đáng lẽ, tôi vẫn sẽ chỉ vụng trộm yêu anh ấy vậy thôi nhưng tôi vừa phát hiện mình có thai. Tôi không thể bỏ đứa bé này được, tôi cũng không thể để con tôi sinh ra mà không có cha. Tôi xin chị hãy nhường anh ấy cho tôi. Tôi xin thề đây là sự cố, tôi không hề cố ý dùng con để bẫy chồng. Tôi xin chị…”, cô gái vừa nói vừa khóc. Nhìn những món quà cô ấy bày ra trên bàn như minh chứng cho một tình yêu đích thực, chị lặng câm như hóa đá.
Tối hôm ấy, cũng như ngày chị định sang Mỹ, anh quỳ sụp xuống ôm lấy chân chị xin tha thứ. Anh bảo người anh yêu là chị, tình cảm anh dành cho cô gái kia chỉ là phút giây yếu lòng. Đàn ông vốn dĩ tham lam nên không cưỡng lại được cám dỗ. Anh xin chị cho anh một cơ hội, anh không muốn mất chị, anh vẫn sẽ chu cấp cho đứa trẻ đàng hoàng nhưng anh sẽ không cưới cô ấy. Chị nhìn gương mặt méo mó đến thảm hại của anh, không thể tin nổi đã từng có lúc mình yêu thương và ngưỡng mộ người đàn ông này. Chị đã từ bỏ cả gia đình, cả tương lai hứa hẹn ở vùng đất mới vì điều gì cơ chứ? Vì sự phản bội này à? Vì người đàn ông gian dối này à? Không chịu đựng nổi, chị hất tay anh ra. Không có sự tha thứ và hàn gắn nào cả. Chị quyết định ly hôn.
Sáu tháng sau, anh cưới cô gái ấy làm vợ. Ngay cả khi đã có vợ mới và gia đình yên ấm, anh vẫn đều đặn gửi hoa và quà cho chị vào những dịp đặc biệt. Ban đầu, chị trả lại và nói anh đừng làm chuyện vớ vẩn nữa nhưng anh xem như không nghe, vẫn cứ gửi đều đặn. Chị chán chả buồn nói. Hoa thì chị cứ vứt ở công ty đến khi héo rũ rồi cô lao công sẽ dọn. Quà thì chị đem về, cất trong cái hộp kín. Một ngày, vợ mới của anh hẹn chị ra, ướm hỏi xem anh và chị còn liên lạc không. Trò chuyện một hồi, chị ngỡ ngàng nhận ra chị và cô ấy đã hoán đổi vị trí một cách ngoạn mục. Bây giờ, anh luôn tặng quà cho chị nhiều hơn, đẹp hơn và đắt tiền hơn vợ. Và vẫn cái kiểu ấy, quà cho hai người sẽ na ná nhau, giống giống nhau, phần lớn cùng mua ở một nơi nhưng chị sẽ được phần lớn hơn. Chị bật cười, cô ấy cũng bật cười, rồi cả hai ôm nhau khóc. Cô ấy nói một cách chua chát: “Thôi kệ, thà anh ấy cứ yêu chị đi, còn hơn đi yêu người khác. Em cũng đã quen với việc chia sẻ anh ấy với chị bao nhiêu năm nay rồi”. Chị bảo: “Không, chị và anh ấy đã chấm dứt rồi. Chị đã ly hôn thì không nghĩ sẽ lấy lại người đàn ông này. Chị không hiểu vì sao anh ấy làm vậy nhưng chị không quan tâm. Em cũng đừng quan tâm, dành thời gian lo cho mình và lo cho con”. Họ trở thành chị em thân thiết từ dạo ấy. Cô ấy mang nỗi cô đơn vì chồng không thuộc về mình trọn vẹn. Còn chị mang cả nỗi cô đơn và thất vọng quá lớn về tình yêu.
Cứ thế mà hai năm thấm thoát trôi qua. Chị vẫn ở căn hộ cũ, làm công việc cũ nhưng có những thứ không còn là thói quen nữa, ví dụ như trang trí nhà cửa vào mỗi dịp Giáng sinh. Năm ngoái, đêm 24, chị quên buồn bằng cách đi chơi thâu đêm suốt sáng với bạn bè rồi dành cả buổi sáng ngày 25 để ngủ. Năm nay có lẽ cũng sẽ thế, nếu chị không gặp Hamah. Chị quen Hamah trong một chuyến đi từ thiện và có kể về những món quà của anh. Chị bảo không muốn dùng nó, mà đem tặng lại cho người quen cũng sợ nó không may mắn. Hamah bảo chị đừng nghĩ quá nhiều, cứ đem hết quà đến đây, Hamah sẽ phân phát cho những người thích hợp hoặc bán lại cho người cần và lấy tiền ấy để giúp đỡ những người khó khăn. Vậy là chị gom tất tần tật chuyển cho Hamah. Và để cảm ơn chị, Hamah đã mời chị đến đây – đêm tiệc Giáng sinh thường niên của Hamah và nhóm bạn người nước ngoài ở Việt Nam của cô.
Chị rất cảm kích lời mời của Hamah và chị đã đến nhưng giờ nhìn khung cảnh này, sự vui tươi này, lòng chị bỗng nặng trĩu. Cây thông này, những quả châu này, điệu nhạc Giáng sinh réo rắt vui tai này… đang nhắc chị nhớ lại những ngày tháng cũ, nhớ lại những đêm Giáng sinh ngập tràn hạnh phúc, nhớ đến anh và cả nỗi đau bị phản bội. Dù rất cố gắng và lạc quan, chị vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những tổn thương của cuộc hôn nhân ấy. Và giờ đây, nó đang qua lại hành hạ chị, trong khi đáng lẽ ra chị phải vui đùa ca hát như những người bạn vô lo kia mới phải.
Cảm thấy khó thở, chị lần lại chiếc bàn nước đặt đầy quà và ngồi phịch xuống tấm đệm nhỏ. Chị thật không muốn mình trở nên tệ hại thế này nhưng giờ chị phải làm sao? Giá mà ông già Noel có thật, chị chỉ cầu mong một điều ước là mình sẽ trở lại vui vẻ như xưa.
***
Quán Cây Thông Xanh
Bà Phương đã ăn xong bữa tối. Bà lặng lẽ cất khung ảnh của chồng vào túi xách, thanh toán tiền và rời khỏi quán. Khép lại cánh cửa quán sau lưng, bà khoan thai thả mình vào khoảng không trước mặt, bước đi chầm chậm trong ánh đèn vàng và tiếng cười nói ồn ào từ trong quán vọng ra. Những bước chân nhẹ tênh dần đưa bà đến đường ray xe lửa, nơi mà chỉ dăm phút nữa thôi, chuyến tàu sẽ chạy qua. Bà đã hoàn tất xong hết mọi việc rồi, đã lo xong mồ mả cho ông, đã làm di chúc để lại ngôi nhà nhỏ của ông bà cho đứa cháu gái, đã xin nghỉ việc và đi thăm hết bà con, bạn bè. Giờ là lúc bà đến với ông, để được ở gần ông và chăm sóc ông.
Đang miên man như thế, bà chợt giật mình vì có tiếng động lạ. Bà dừng bước, dỏng tai nghe. Hình như là tiếng khóc trẻ con. Sao lại có trẻ con khóc ở đây và vào lúc này? Bà nghe nhầm chăng? Không, tiếng khóc ngày càng lớn và mỗi lúc lại rõ hơn. Bà đi theo tiếng khóc, thật chậm, thật khẽ, y như thể bà sợ mình bước mạnh thì tiếng khóc sẽ biến mất. Tiếng khóc dẫn bà đi sâu vào những lùm cỏ rậm rạp, đến trước một cây cổ thụ lớn và dưới gốc cây là một đứa bé đang nằm khóc trong chiếc giỏ mây.
Bà Phương không tin vào mắt mình, bà nhìn quanh quất xem cha mẹ đứa bé có ở đây không nhưng chẳng có ai cả. Bà cất tiếng gọi: “Có ai không? Có ai lạc mất con ở đây không?” nhưng chẳng có ai trả lời. Xung quanh hoàn toàn tĩnh mịch, chỉ có tiếng khóc trẻ con và tiếng tim đập thình thịch vì hồi hộp của bà. Bà tiến đến gần chiếc giỏ mây, đúng là có một đứa bé trong đấy, bé xíu, đỏ hỏn, quấn trong cái chăn màu hồng và vẫn đang ngằn ngặt khóc.
Bà Phương khẽ khàng ngồi xuống, tay bà run run sờ vào chiếc giỏ, sờ vào chiếc chăn hồng rồi sờ vào làn da mát mịn của đứa bé. Bà gần như không tin nổi là bỗng dưng lại có đứa bé xuất hiện trước mặt mình vào một đêm như thế này. Nhưng quả thực đứa bé vẫn đang nằm đó, vẫn đang khóc, đôi tay huơ huơ về phía bà như cầu cứu. Đứa bé là có thật và nó đang nhìn bà, bà không phải đang nằm mơ.
Thu hết can đảm, bà Phương cúi xuống bế lấy đứa bé và ôm nó vào lòng. Đứa bé ấm nóng, thơm mát, dụi đầu vào ngực bà, nấc nấc từng cơn. Ôi trời ơi, cảm giác ôm một đứa trẻ vào lòng thật sung sướng đến lạ kỳ. Bà ngắm đứa bé, vuốt ve nó, hôn lên làn da mềm mịn của nó, rồi bà khóc. Nước mắt bà lăn thành giọt dài trên gò mà, rớt xuống cả đôi má bầu bĩnh của đứa bé bà đang ôm trong lòng. Từ phía bên kia lùm cỏ, tiếng còi tàu đang vọng lại, đoàn tàu đang rầm rập chạy qua, ánh đèn sáng quắc của nó nuốt chửng cả vạt bóng đêm. Nhưng bà không còn quan tâm nữa, bà đã quên mất nó rồi, quên mất cả việc bà đang định nhờ nó đưa đi gặp ông, quên hết. Bà chẳng còn nhớ, chẳng còn biết gì nữa cả. Đứa bé xinh đẹp đã choáng ngợp hết tâm trí của bà và giờ bà chỉ còn nhìn thấy mỗi nó mà thôi.
Mất một lúc sau, bà Phương mới dần bình tĩnh lại. Một tay ôm đứa bé, một tay xách chiếc giỏ mây, bà quay trở ra đường lớn để trở về nhà. Bà vừa đi vừa thầm xin lỗi ông vì bà chưa thể đến bên ông được. Ông trời mang đứa bé đến cho bà hẳn phải có lý do. Bà phải chăm sóc nó, nuôi nấng nó, không thể để nó bơ vơ, lạnh lẽo, không người thân thích như thế này được. Dăm năm nữa bà về hưu rồi nhưng bà vẫn có thể bán tạp hóa, làm bánh kem, cắm hoa, bán thức ăn trên vỉa hè… để nuôi nấng nó. Bà phải sống cho thật tốt và nhìn nó lớn khôn. Thiên thần của bà, con gái của bà. Ừ, mà bà phải đặt tên cho nó nữa chứ! Phải rồi, bà sẽ gọi nó là Diệu Linh, vì nó là một điều kỳ diệu không sao lý giải được. Một điều kỳ diệu vào đúng thời khắc Giáng sinh đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà. Kể từ sau ngày ông đi, bà chưa bao giờ lại thấy ham sống và hạnh phúc như lúc này!
***
Căn phòng trọ số 22/12/8…
Đang suy nghĩ vẩn vơ, My giật mình khi nghe tiếng gọi và ánh đèn vàng leo lét. Cư dân xóm trọ thấy nhà My tối om, lo cô bị ngã nên kéo nhau đến xem. Người mang đèn cầy, người mang đèn dầu chụm đầu gọi cô í ới. My lúng túng: “Dạ, em không sao, tại nhà hết đèn cầy nên…”. Chị Ba bán hột vịt lộn đầu xóm rổn rảng: “Chèn ơi, nhà hết đèn cầy thì chạy qua nhà tui lấy nè, tối om vầy có thấy đường làm chi?”. Rồi chị bước vào nhà, đặt cây đèn cầy to lên chiếc ghế đẩu rồi ngồi xuống nền nhà, quạt phành phạch. Cư dân xóm trọ thấy cô không sao thì tản ra, chỉ còn mỗi chị Ba ngồi lại tám chuyện.
– Mai cô My về nhà hả?
– Dạ.
– Ờ, thôi về đi, chớ ở lại mà mệt quá thì về cho khỏe. Tui vì tương lai mấy đứa con nên mới ráng bám ở đây thôi, về quê sướng hơn nhiều.
– Dạ.
– Cô chuẩn bị hành lý xong hết chưa?
– Dạ cũng hòm hòm.
– Sáng mai trước khi đi, cô nhớ ghé hàng tui nhen, tui gửi má cô mấy cái hột vịt lộn.
– Dạ thôi, phiền chị quá.
– Phiền gì, tui gửi thiệt lòng mà. Còn nếu cô ngại thì cô ca tui nghe một bài đi.
– …
– Thiệt đó, tui nghe nói cô ca hay lắm, tại không gặp thời thôi. Ca đi, chứ còn dịp nào để tui nghe cô ca nữa đâu.
My lúng túng, chẳng biết chị Ba nói thiệt hay đùa. Nhưng nhìn dáng chị ra vẻ chờ đợi, cô đành cất tiếng hát: “Có cơn mưa nào qua đây, sao trời trong xanh là thế, giá như anh đừng xa tôi, giá như tôi đừng lặng lẽ…”. Giọng My ban đầu rất nhỏ rồi từ từ từ lớn dần, cô hát say mê, hát y như ngày còn nhỏ lần đầu đứng trên sân khấu trường, hát chỉ vì muốn hát, không toan tính, không ganh đua chi cả. Giọng hát của cô thoát ra khỏi căn phòng trọ ẩm thấp, lan tỏa trong khu xóm trọ nghèo. Mọi người kéo lại nhà My, đứng chen chân ngoài cửa, ánh đèn cầy vàng ấm áp trên tay họ thắp sáng cả căn phòng nhỏ. Khi My hát xong, cả không gian như vỡ òa bởi những tiếng vỗ tay và trầm trồ: “Trời ơi, xóm mình có ca sĩ mà không biết”, “Hát gì mà hát hay dữ vậy nè”, “Vừa hát hay vừa đẹp nữa, ai chịu nổi em ơi?”… My bẽn lẽn cúi đầu, cảm nhận một cảm giác thích thú dễ chịu lan tỏa khắp người và bất chợt, cô cảm thấy thật hạnh phúc.
Nhưng My không cúi đầu được lâu. Mọi người kéo tay My lôi ra ngoài sân. Họ xếp ghế vòng quanh, đẩy My vào giữa và bắt cô hát. Một anh trong xóm lôi ra chiếc ghi-ta đệm đàn cho cô. Lũ con nít chạy vòng quanh vỗ tay reo hò, tán thưởng. Vậy là My hát, cô không hát tình ca nữa, cô hát nhạc Giáng sinh. “Mừng ngày Chúa sinh ra đời, nào mình cùng nắm tay tươi cười, hòa bình đến cho muôn người, cùng cất tiếng ca mừng vui…”, giọng hát My trong trẻo và tươi vui. Vây quanh cô, những ngọn đèn cầy tỏa ra ánh đèn kỳ ảo như những vì sao. My hát hăng say, hát như chưa bao giờ được hát, cô vừa hát vừa nắm tay nhảy múa với những đứa trẻ lấm lem bụi đất. Đây là sân khấu của cô, khán giả của cô, của riêng cô mà thôi.
Đến giữa khuya, mọi người lục tục kéo nhau đi ngủ. Cả xóm vẫn cúp điện nhưng chẳng ai phàn nàn nữa, ai cũng vui vẻ và hạnh phúc. Người lớn nắm tay My lắc lắc, cảm ơn những bài hát hay của cô. Lũ trẻ con thì tranh nhau ôm lấy My, có đứa còn bảo mai em lấy tập sang nhà chị xin chữ ký. Chưa bao giờ My được khen ngợi và yêu thương nhiều như thế ở giữa Sài Gòn này. Cô hạnh phúc quay vào nhà và thấy anh Tuấn, người đệm đàn cho mình khi nãy, đang lặng yên nhìn mình.
– Anh nghe nói mai em về quê?
– Dạ vâng.
– Nhất quyết không làm ca sĩ nữa?
– …
– Có bao giờ em nghĩ sẽ tham gia một cuộc thi hát không? Nếu được thì ở lại Sài Gòn, anh sẽ cùng em đi thi. Anh thấy em còn mê hát lắm, bỏ cuộc như vậy chỉ sợ sau này em hối tiếc.
– …
– Cứ suy nghĩ đi, về quê rồi vẫn có thể quay lên lại mà, có gì cứ đến tìm anh. Em ngủ ngon nhé!
– …
Anh Tuấn quay đi, My vẫn đứng tần ngần một lát rồi mới bước vào phòng, thắp ngọn đèn cầy nhỏ và bắt đầu thu vén quần áo. Đóng gọn gàng quần áo rồi, cô bắt đầu dọn dẹp sách vở. Khi nhấc đống sách cũ lên, cô trông thấy một tấm bưu thiếp rơi ra. Đó là một tấm bưu thiếp cũ tự làm với tấm ảnh cô đang hát ở một quán bar, do một người bạn cũ cùng làm phục vụ gửi tặng cô cách đây đã nhiều năm. Tấm bưu thiếp viết: “My biết không, tớ đoán chắc rằng cậu yêu hát đến chết đi được. Hãy luôn hát thế nhé! Chúc cậu mỗi ngày đều hạnh phúc như khi đứng trên sân khấu!”.
My đọc đi đọc lại lời chúc của cô bạn rồi lật ngược lại nhìn tấm ảnh mình trên sân khấu. Cô mặc một chiếc đầm lấp lánh sến súa, trang điểm vụng về nhưng đôi mắt sáng bừng và nụ cười rạng rỡ. “Một thần thái hạnh phúc thật sự”, My lẩm bẩm rồi bất giác mỉm cười, rồi lại khóc. Cô không thể từ bỏ ước mơ của mình như vậy được, cô yêu ca hát đến chết được cơ mà. Cô sẽ về quê thăm mẹ, thăm em nhưng cô sẽ quay lại đây, cô sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Thành danh cũng được, không thành danh cũng không sao, quan trọng là cô được hát. Chỉ khi cất tiếng hát, cô mới được là chính mình, được hạnh phúc ngập tràn mà không làm sao tả nổi.
My ôm tấm bưu thiếp vào lòng, ngả lưng trên giường và êm đềm đi vào giấc ngủ. Lâu lắm rồi, cô mới lại có giấc ngủ say như thế. Cô đã biết mình nên làm gì và phải làm sao mới được hạnh phúc. Cô đã tự dành tặng cho mình một món quà vô giá, cũng như cô đã tặng cho những cư dân xóm trọ nghèo nàn một đêm Giáng sinh thật ngọt ngào.
***
Một ngôi nhà trong xóm đạo
Chị cứ ngồi một mình như thế rất lâu, lóng ngóng không biết phải làm gì, tay chân trở nên vô cùng thừa thãi. Bỗng, có ai đó vỗ vai chị và một giọng tiếng Việt lơ lớ cất lên: “Này cô ơi, dùng thử không?”. Chị quay lại. Một anh chàng to cao, nước da đen bóng, thân hình rắn rỏi trong chiếc tạp dề, đang nhìn chị mỉm cười. Anh chàng quỳ một chân và đưa chị một chiếc khay nhỏ đựng đầy những viên sô-cô-la bé xinh hình chiếc mũ Noel, cây gậy đỏ trắng, lá trạng nguyên xanh… “Đúng là Giáng sinh toàn tập”, chị vừa nghĩ vừa thích thú nhón thử một viên.
“Ngon tuyệt”, chị vừa nói vừa giơ ngón tay cái lên. Anh chàng thích chí cười híp cả mắt, khoe hàm răng trắng bóng. “Tôi làm đấy”, anh chàng nói một cách tự hào. Rồi anh ta ngồi hẳn xuống tám chuyện với chị.
– Cô là bạn của Hamah?
– Vâng, anh cũng thế?
– À không, tôi là đầu bếp, được Hamah gọi đến để nấu ăn thôi. Cô tên gì?
– Tôi tên Uyên, còn anh?
– Peter. Cô thật xinh đẹp.
– Cảm ơn. Anh ở Việt Nam lâu chưa?
– Lâu rồi, hơn 6 năm.
– Hèn gì anh nói tiếng Việt giỏi thế. Nhà hàng của anh ở đâu, hôm nào tôi sẽ đến ủng hộ.
– Ồ, tôi không có nhà hàng. Tôi là đầu bếp tự do. Nhưng cô có thể đến nhà tôi để thưởng thức món ăn. Tôi có món bánh crepe trà xanh ngon cực kỳ, chắc chắn cô sẽ thích. Nếu cô không thích ăn, cô cũng có thể học nấu ăn. Tôi sẽ dạy miễn phí.
– Sao chứ? Anh đang kinh doanh hay làm từ thiện vậy?
– Tôi làm cả hai nhưng chuyện tôi dạy nấu ăn cho cô không phải kinh doanh, cũng không phải từ thiện. Ấy là tán tỉnh.
Chị bật cười, anh chàng thật thông minh và hóm hỉnh. Peter cũng cười rồi kéo tay chị ra ca hát cùng mọi người. Chẳng kịp trở tay, chị xoay bên nọ, xoay bên kia một cách lúng túng và vụng về. Nhưng bạn bè của Hamah đều rất dễ thương. Họ nắm tay chị, nương theo chị, vỗ tay cho chị hát, giúp chị xoay eo, lắc hông… Những động tác vừa dễ thương vừa buồn cười của họ làm chị cười nắc nẻ. Peter cũng hòa vào chung vui với mọi người nhưng thỉnh thoảng, anh chàng lại biến mất và khi xuất hiện lại thể nào cũng mang theo hai khay thức ăn. Họ vừa ca hát vừa uống rượu và ăn finger food suốt cả đêm.
Đến đúng 12g00 đêm, Hamah tuyên bố đến giờ mở quà. Mỗi người khách đến đây đều mang theo một món quà nhỏ để trao đổi cùng nhau và quà sẽ được chọn ngẫu nhiên bằng cách bốc thăm. Peter cũng tham gia vào trò chơi này, dù anh không phải khách mời. Mọi người ngồi quây quần bên nhau và trước khi mở quà, họ phải chia sẻ về điều ước của mình.
Hamah bốc phải món quà của chị. Cô nhắm mắt thì thầm: “Điều ước của tôi trong Giáng sinh này là có thể giảm được 20 pounds”. Tất cả mọi người đều phá lên cười, chị cũng bật cười ha hả. Hamah mở quà của chị, đó là một chai rượu trái cây mùi lựu. Hamah thích lắm và hứa sẽ mời mọi người cùng đến nhà thưởng thức.
Đến lượt chị, chị bốc phải một hộp quà nhỏ hình vuông, gói giấy màu vàng đồng và thắt nơ màu bạc. Chị chắp tay cầu nguyện: “Điều ước của tôi trong Giáng sinh này là sẽ luôn được vui vẻ, luôn mỉm cười, không buồn nữa”. Chị mở quà, đó là một hộp sô-cô-la với những biểu tượng Giáng sinh ngộ nghĩnh, y như những viên sô-cô-la mà Peter đã mời chị ăn. Trong hộp sô-cô-la còn có một cuộn giấy nhỏ in chữ nhũ vàng rất đẹp:
“Chúc mừng Giáng sinh!
Chúc mừng bạn đã nhận được phiếu học nấu ăn miễn phí với Peter Hollens trị giá 300$. Phiếu có thời hạn sử dụng trong vòng một tháng sau Giáng sinh. Bạn được tùy chọn món ăn và địa điểm học. Tin tôi đi, sẽ không có món quà Giáng sinh nào tuyệt hơn thế này nữa đâu.
Giáng sinh vui vẻ!”
Tất cả mọi người cùng ồ lên. Peter sung sướng ngoác miệng cười đến tận mang tai, không cần che giấu vẻ hớn hở của anh chàng. Chị vừa buồn cười vừa mắc cỡ, tự hỏi không biết có phải mình bị “gài” để bốc nhằm món quà này không.
Kết thúc bữa tiệc Giáng sinh, Peter đưa chị ra đầu hẻm để đón taxi về nhà. Họ hẹn gặp nhau sáng mai ở nhà Peter để học nấu món ăn đầu tiên: bánh crepe trà xanh. “Tôi bảo đảm món đó cực ngon và tôi cũng chắc chắn cô sẽ luôn mỉm cười, luôn vui vẻ”, Peter nói và hôn phớt lên má chị để chào tạm biệt. Trên đường về nhà, chị nhìn ngắm những dòng người lũ lượt trên phố, những món đồ trang trí Giáng sinh lấp lánh khắp nơi mà tự hỏi liệu ông già Noel có đang trốn ở đâu đó và ngắm nhìn chị mỉm cười không. Chị đã ước được vui vẻ và bây giờ chị đang cười rất tươi. Ông già Noel thật kỳ diệu và Giáng sinh cũng vậy.
CAO BẢO VY