Truyện ngắn này từng đăng trên tạp chí Tiếp thị & Gia đình
Tiếng chuông gió leng keng làm Hạ giật mình tỉnh giấc. Cô bé mắt nhìn khung cửa sổ. Chiếc chuông gió hình những cánh chim đang đung đưa như vỗ cánh, Hạ lắng tai nghe. Có tiếng mở khóa lách cách, có lẽ mẹ về.
Hạ nhỏm dậy, mở cửa phòng và nhón bước xuống cầu thang, nhìn xuống phòng khách. Mẹ bước vào nhà, dáng nghiêng ngửa vì say rượu. Thấy mẹ dợm bước lên, Hạ vội lẩn ngay vào phòng. Mẹ bước lên lầu, gõ cửa phòng Nghi, em gái Hạ:
– Con gái cưng, ra đây mẹ bảo
– Mẹ gọi gì con?
Mẹ mỉm cười, lôi từ xắc tay một lọ nước hoa hàng hiệu.
– Quà của con đây, không được nói cho Hạ biết, nghe chưa?
Nghi cười tít mắt:
– Ngu gì con nói, mẹ yên tâm.
Hạ áp tai vào cửa phòng, nghe rõ mồn một từng câu đối thoại. Khi tiếng chân mẹ dần xa. Hạ cũng lần bước về giường ngủ. Nước mắt Hạ dài trên má, mặn chát.
***
Hạ là con đầu lòng của bố mẹ. Bố Hạ là giám đốc một công ty xây dựng lớn nên đi công tác triền miên. Năm Hạ lên bốn, mẹ mới sinh em Nghi. Mẹ hay bảo: “Hai chị em phải yêu thương nhau” nên Hạ thương em Nghi lắm. Có quà bánh gì ngon, Hạ cũng để dành phần em. Đi đâu, làm gì, mẹ luôn dẫn hai chị em theo.
Những lúc bố về thăm nhà, ông cũng kênh cả hai chị em, mỗi đứa một bên vai. Trong khi hai con cười nắc nẻ, mẹ lo lắng đi vòng quanh, tay đưa sẵn để hứng đứa nào chẳng may rớt.
Tối tối, bố lái ô-tô chở ba mẹ con đi ăn nhà hàng, xem kịch, ăn kem… Đêm về, Hạ ngủ ngoan trong vòng tay ấm áp của bố và những câu chuyện cổ tích của mẹ. Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy chỉ kéo dài đến năm Hạ 13 tuổi. Quà mẹ tặng Hạ là một chiếc chuông gió hình những cánh chim bạc, viền kim tuyến lấp lánh.
Mẹ bảo: “Con hay giật mình thức giấc giữa đem. Khi nào không có mẹ bên cạnh, chuông gió sẽ ru con ngủ lại”.
Bố giúp Hạ treo chiếc chuông gió lên cửa sổ phòng ngủ. Đêm ấy, trong tiếng chuông gió leng keng, Hạ mơ thấy cả gia đình mình ngồi trên một chú chim bạc, bay mãi lên tận trời xanh.
***
“Dậy ngay, con gái mà ngủ đến trưa vậy à? Sướng đẫy thân ra đấy”, tiếng quát và đập cửa của mẹ khiến Hạ giật mình tỉnh giấc. Đôi mắt cô nhíu lại bởi căn phòng ngập tràn ánh sáng. Chiếc chông gió kêu leng keng như chào đón một ngày mới.
Cây kim giờ của chiếc đồng hồ treo tường chỉ con số 7. Hạ uể oải ngồi dậy. Đêm qua, cô thức cùng những hồi ức cũ đến hơn ba giờ sáng. Hạ thở dài, ước gì mình mãi mãi không bước qua tuổi 13. Hạ xuống nhà dưới. Mẹ và em Nghi đang ở trong phòng ăn, trò chuyện rôm rả. Nghe tiếng bước chân, họ chỉ khẽ liếc nhìn Hạ rồi tiếp tục câu chuyện. Hạ cũng chẳng buồn mở lời, lặng lẽ ăn phần nui sáng của dì Tư chuẩn bị sẵn. Chợt mẹ tằng hắng:
– Sáng nay, mẹ và em Nghi có việc ra ngoài. Con ở nhà hay có đi đâu thì đi nhé!
Câu này đồng nghĩa với việc Hạ bị cho ra rìa như bao lần khác. Hạ dạ nhỏ và lại cắm cúi ăn, cố giấu đôi mắt đang đỏ hoe. Không nói gì thêm, mẹ và em Nghi đứng dậy, đủng đỉnh bước ra sân và leo lên ô-tô. Còn lại một mình, Hạ ngồi vào chiếc đàn piano.
Như mọi khi, Hạ chào buổi sáng bằng những giai điệu trong trẻo của bài Twinkle Star, bài đầu tiên cô học đánh đàn để tặng mẹ.
Hạ còn nhớ hôm ấy là Giáng sinh. Hạ vừa đàn vừa hát, em Nghi ngồi trên vai bố ngọng nghịu hát theo. Mẹ đứng cạnh ba bố con, vỗ tay phụ họa, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc.
Bản nhạc kết thúc cũng là lúc Hạ nằm gục xuống, tựa đầu vào đàn. Tay cô bấm lung tung những phím đàn đen trắng. Những âm thanh lạc lõng vang lên rồi rơi tõm vào im lặng. Đã mười năm rồi, Hạ không hiểu tại sao mẹ bỗng dưng trở thành một con người khác.
Buổi sáng hôm sau đêm sinh nhật lần thứ 13, Hạ nhảy chân sáo xuống bếp, ôm chầm lấy mẹ từ phía sau. Hạ tưởng được mẹ hôn một cái thật kêu nhưng chẳng ngờ bị mẹ gạt tay ra. Bà cau mày khó chịu, giọng lạnh lùng: “Từ nay, dì Tư sẽ lo việc ăn uống cho con, mẹ chỉ lo phần em Nghi thôi. Con lớn rồi, không cần mẹ lo nữa”.
Hạ tròn xoe mắt nhìn mẹ quay lưng đi, bê khay điểm tâm lên lầu. Cả ngày hôm ấy, Hạ ngơ ngẩn vì một linh cảm lạ lùng.
Những ngày sau đó, mẹ càng ngày càng xa cách Hạ. Thay cho những lời dịu dàng quen thuộc, mẹ hay quát và dấm dẳng với cô. Thậm chí, việc cô ăn cùng bàn, ở cùng phòng khách cũng khiến bà cau mày, nhăn trán.
Chiếc chuông gió là món quà cuối cùng Hạ nhận từ mẹ. Bà không bao giờ mua cho Hạ bất cứ món quà nào nữa. Tất cả đều dành cho em Nghi. Dường như sợ Hạ ganh tỵ với những món quà đắt tiền, mẹ dấm dúi cho riêng em và dặn đừng cho Hạ biết.
Ngay cả thái độ của mẹ với bố cũng thay đổi. Bà không còn dịu dàng và chăm sóc bố chu đáo như trước kia. Họ vẫn xuất hiện cùng nhau trước đông người như một cặp vợ chồng hoàn hảo, nhưng phòng ngủ kê thêm một chiếc giường nhỏ cho bố. Mặc kệ bố khuyên nhủ lẫn cáu gắt, mẹ Hạ tập tành hút thuốc, đi vũ trường và thường xuyên về nhà muộn.
Không chỉ mẹ thay đổi, em Nghi cũng thay đổi. Được mẹ cưng chiều, em Nghi ngày càng quá quắt. Em giật tóc Hạ, đổ nước lên váy, cắt tai con gấu bông yêu thích của Hạ… Thế nhưng, chỉ cần Hạ quát em, mẹ sẽ trừng mắt và mắng cô sa sả. Tủi thân, Hạ chỉ biết ôm chặt con gấu cụt tai và khóc.
Nguồn an ủi của Hạ chính là bố. Ông vẫn yêu thương cô như trước. Bố hay ngồi uống trà, nhâm nhi bánh ngọt và nghe Hạ đánh đàn. Bố bênh vực Hạ mỗi khi cô em Nghi bắt nạt.
Mỗi khi Hạ khóc, ông ôm cô vào lòng dỗ dành. Một đôi lần, Hạ hỏi bố: “Sao mẹ ghét con vậy?”, ông không nói gì, chỉ thở dài.
***
Tiếng chuông đồng hồ gõ bing boong làm Hạ giật mình ngẩng lên: “Đã chín giờ rồi à?”, Hạ vừa lẩm bẩm vừa hoảng hốt chạy xuống bếp, trút nồi cháo dì Tư nấu sẵn vào cà-mên. Cả tuần nay, bệnh tim của bố trở nặng nên ông phải nhập viện.
Dù bố có y tá riêng chăm sóc nhưng ngày hai buổi. Hạ vẫn đều đặn vào thăm bố. những khi bố hỏi: “Dạo này, mẹ đối xử với con thế nào?”, Hạ cười giả lả: “Dạo này mẹ dễ thương hơn nhiều bố ạ! Mẹ không còn cáu gắt với con nữa, cả em Nghi cũng tốt với con hơn”. Có lẽ Hạ giả vờ không khéo lắm nên bố không cười theo con gái mà chỉ thở dài.
Hạ đến bệnh viện ngay lúc bố đã được cô y tá đưa đi tắm nắng. Một tay Hạ xách cà-mên cháo, tay kia ôm bó hoa cẩm chướng đủ màu.
Ngồi trong phòng đợi bố, Hạ chợt nảy ra ý định làm bố bất ngờ: “Mình sẽ nấp vào toilet, đợi bố vào phòng sẽ ào ra tặng hoa cho bố”, Hạ thích thú nghĩ và chuồn ngay vào toilet nấp kín.
Chưa đầy hai phút sau, Hạ nghe tiếng cửa phòng bật mở. Nhòm qua khe cửa, Hạ ngạc nhiên khi thấy bước vào phòng không phải hai mà là bốn người: bố Hạ, cô y tá, mẹ và em Nghi.
Sau khi cô y tá đưa bố lên giường và sắp xếp gối cho bố tựa lưng, mẹ Hạ nhẹ nhàng bảo:
– Cô ra ngoài để gia đình tôi nói chuyện riêng một chút. Có gì cần, chúng tôi sẽ gọi sau.
Cô y tá dạ nhỏ rồi bước ra ngay, không quên đóng cửa phòng. Hạ không hiểu mẹ định nói chuyện gì. “Mình có nên ra không nhỉ, mẹ không biết mình ở đây, nhỡ mà…”, Hạ lúng túng suy tính nhưng giọng nói mệt mỏi của bố đã vang lên:
– Lại chuyện gì nữa? Nếu là chuyện chia tài sản, tôi chẳng có gì để nói với bà.
Mẹ Hạ khịt mũi:
– Ông xem qua rồi hãy nói.
Bà thảy một tập hồ sơ lên giường bệnh:
– Đây là di chúc mới mà tôi đã soạn giùm ông. Tôi chia cho con Hạ đến 20%, nhượng bước đáng kể rồi đấy! Cha con ông lời quá còn gì! Đáng lý ra, con nhỏ đầu đường xó chợ ấy không được lấy một xu.
“Di chúc, tài sản, chuyện gì đây?”, lỗ tai Hạ lùng bùng. Những ngón tay trắng bệch của cô bấu chặt vào bó hoa. Bố lại run run giọng:
– Di chúc tôi đã ký rồi, đang ở chỗ luật sư Hà. Bà và Nghi mỗi người hưởng 30%, Hạ là 40%, không có gì thay đổi cả.
Mẹ Hạ gần như quát lên:
– Không thay đổi là sao? Tại sao đứa con hoang ấy lại được nhiều hơn mẹ con tôi? Ông đừng quên, gần phân nửa vốn thành lập công ty ông là của gia đình tôi. Con nhỏ đó hưởng 20% đã là quá nhiều rồi.
Một cơn ớn lạnh xốc thẳng vào mũi Hạ và lan khắp toàn thân cô. Người Hạ run lẩy bẩy như lên cơn sốt. Cô không còn đứng vững nữa, phải ngã người tựa vào tường nhà tắm để không gục xuống sàn. “Con hoang, con đầu đường xó chợ? Mình không phải là con của bố mẹ sao?”, những câu hỏi cứ ong ong trong đầu cô.
Tiếng bố lại cất lên nhưng gần như thì thào:
– Cô… cô không được xúc phạm bé Hạ, nó là con của tôi và cô ấy.
Mẹ Hạ gào lên:
– Phải, phải, con của ông và mụ ấy, ông còn thương yêu ả lắm chứ gì?
– Cô đã từng hứa sẽ yêu thương nó như con ruột.
Mẹ Hạ bật khóc:
– Phải, tôi từng hứa. Ngày nó còn bé, tôi thật sự yêu thương nó như con ruột nhưng càng lớn, nó càng giống mẹ nó. Nhìn nó quấn lấy ông, tôi cảm giác như bà ta lởn vởn trong nhà. Tôi đã cố gắng dẹp bỏ hờn ghen nhưng ông không hề trân trọng điều đó. Ông vẫn thương nó hơn con Nghi, ông để gia tài cho nó nhiều hơn. Tôi biết, ông luôn yêu người đàn bà đó hơn tôi mà.
– Không… không… phải, tôi chỉ yêu bà thôi. Tôi không thương đứa nào hơn hết nhưng nó không có mẹ. Tôi chỉ muốn bù đắp cho nó.
Giọng bố cũng đã khàn đặc. Em Nghi đang căn vặn bố điều gì đó nhưng Hạ không còn nghe được nữa. Cô như vừa rơi xuống một hố sâu đen ngòm, không âm thanh, không ánh sáng.
Tay chân Hạ run rẩy. Cà-mên cháo và bó hoa bỗng trở nên nặng quá sức, kéo trì người cô xuống. “Choang”, cà-mên cháo rơi xuống đất, lăn lông lốc. Hạ cũng đổ gục xuống sàn.
Cánh cửa toilet mở toang. Mẹ và em Nghi đứng đó hốc miệng nhìn Hạ. Mặt mẹ đỏ bừng, quay sang tru tréo bố sắp đặt mọi chuyện. Em Nghi cũng hùa theo la ó. Bố giải thích nhưng không ai nghe cả. Giọng ông mỗi lúc một nhỏ dần.
***
“Chào buổi sáng, hoa hồng”, Hạ thì thầm với chậu hồng nhung đỏ rực, cánh ướt đẫm những giọt sương mai. Buổi sáng trên phố núi lạnh căm căm. Vừa quấn lại khăn choàng, Hạ vừa dọn hàng hoa cho kịp phiên chợ sớm.
Hạ lên Đà Lạt cũng đã hai năm rồi, từ sau lễ tang của bố. Ý nghĩ mình là con riêng của bố và đang có ý tranh giành tài sản với em Nghi khiến Hạ không thể ở lại thành phố thêm một ngày nào nữa. Hạ cũng không ngừng tự dằn vặt mình. Nếu hôm ấy, cô không trốn trong toilet và bị mẹ phát hiện, mọi chuyện đã không tệ như thế.
Thỉnh thoảng, trong giấc mơ, Hạ thấy lại cái ngày đau thương ấy nhưng mọi thứ cứ như phủ màn sương. Hạ chỉ loáng thoáng nghe những lời xỉ vả, tiếng bố thì thào và hình ảnh ông ôm ngực, ngã xuống giường.
Ông được đưa vào phòng cấp cứu nhưng không thể qua khỏi. Di chúc được công bố ngay lúc đó, kèm theo một lá thư bố gửi riêng cho Hạ. Thì ra, bố và mẹ ruột của Hạ gặp nhau khi ông đã có hôn ước. Không muốn làm bận lòng bố, bà mang theo Hạ trong bụng & lên Đà Lạt sinh nở.
Sức khỏe yếu đã khiến bà chết ngay trên bàn sinh. Hạ được người quen đưa xuống thành phố cho bố nuôi. Vị hôn thể của bố lúc ấy, chính là người Hạ vẫn nghĩ là mẹ, đã bao dung bỏ qua tất cả và nuôi nấng Hạ như con ruột. Lẽ ra, bà đã có thể hoàn thành lời hứa của mình nếu Hạ không quá giống mẹ ruột và bố không làm di chúc vào năm cô 13 tuổi.
Dù bố giải thích ông làm di chúc sớm vì sợ bệnh tim tái phát, mẹ Hạ vẫn nổi giận. Cơn ghen chôn chặt bao năm của người đàn bà khi bùng lên thật đáng sợ. Bà như biến thành con người khác, ích kỷ và thủ đoạn. Hạ chỉ ước giá như bố nói thật mọi chuyện với mình sớm hơn. Cô không cần đến số tài sản khổng lồ mà phải đánh đổi cả gia đình.
“Ủa, ai như cô Hạ đây?”, giọng một phụ nữ vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của Hạ. Giật mình ngẩng lên, Hạ trông thấy dì Tư, người làm cũ của gia đình. Hạ đứng phắt dậy, chạy đến ôm chầm lấy dì. Hai dì cháu ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Giọng dì Tư rối rít:
– Trời ơi, cô Hạ, gặp lại cô, tôi mừng quá.
Hạ cũng xúc động:
– Dì Tư, dì làm gì ở đây? Dì không ở nhà con sao?
Dì Tư thở dài:
– Ở gì nữa cô ơi, từ ngày cô đi, ông mất, nhà lạnh lẻo hẳn. Cô Nghi đi biền biệt. Bà chủ cứ nằm rũ trong phòng, chẳng buồn ăn uống. Trông bà không còn chút thần sắc nào cả.
Hạ nghe dì Tư nói mà đau thắt lòng. Cô biết mẹ không bao giờ muốn bố chết. Có lẽ suốt hai năm qua, bà luôn bị nỗi ân hận giày vò. Hạ không trách mẹ mà chỉ thấy thương bà thật nhiều. Cô nắm tay dì Tư:
– Sao dì không ở nhà chăm sóc mẹ con?
Dì Tư chép miệng:
– Mấy tuần trước, cô Nghi về đòi bà giao hết tài sản để làm ăn gì đó. Bà không đồng ý. Hai mẹ con giằng co, cô Nghi đẩy bà ngã xuống sàn. Đầu bà va vào cạnh bàn, chảy máu nhiều lắm. Bây giờ, bà vẫn đang ở bệnh viện để điều trị bệnh suy nhược. Cô Nghi bỏ đi đâu không rõ. Công ty của ông cũng sắp đóng cửa rồi. Bà cho tôi nghỉ việc, biếu tôi một ít tiền để về quê dưỡng già. Tôi định lên đây chơi ít hôm cho biết Đà Lạt rồi mới về quê với con.
Hạ ngỡ ngàng:
– Vậy ai chăm sóc mẹ?
– Cô y tá riêng của bà thuê nhưng thế nào cũng không bằng con được, cô Nghi thiệt tệ quá.
Hạ không nói gì nữa. Hai dòng nước bỗng ứa ra từ mắt cô, lăn xuống gò má.
***
Người phụ nữ mở mắt, cảm thấy thư thái kỳ lạ. Không hiểu sau, hôm nay bà cảm thấy xương ở tay và chân đỡ nhức mỏi hẳn. Một mùi hương nhè nhẹ len vào mũi làm bà cảm thấy dễ chịu. Bà nhìn quanh quất. Chậu hoa bách hợp trên bàn lung linh trong nắng sớm.
Bà nhỏm ngồi dậy và tựa lưng vào thành giường. Vừa lúc ấy, cửa phòng bật mở. Cô y tá bước vào, mang theo khay thức ăn. Cô đặt lên bàn ăn của bà bát cháo hột vịt bắc thảo, cốc nước cam và đĩa trái cây. Cô nháy mắt:
– Hôm nay bà ăn sẽ ngon miệng lắm đấy!
Khi bà vẫn đang ngơ người, cô y tá vừa kéo tấm màn sáo vừa bảo:
– Tối qua, con gái bà đến thăm. Cô ấy ngồi bóp tay, bóp chân cho bà rất lâu nhưng có lẽ vì uống thuốc ngủ nên bà cứ ngủ li bì. Sáng nay, cô ấy lại mua hoa vào cắm, còn tự tay chuẩn bị bữa sáng cho bà nữa. Cô ấy bảo bà quen ăn cháo hột vịt bắc thảo có dầu hào. Cô ấy thật hiếu thảo.
Người phụ nữ vui hẳn lên, bà phụ họa:
– Ừ, con gái tôi tuy trẻ người non dạ nhưng được cái thương mẹ lắm.
Bà định nói gì nữa nhưng bỗng im bặt. Có một âm thanh kỳ lạ vừa vang lên. Tiếng leng keng, đúng rồi, tiếng leng keng của chuông gió. Bà ngước nhìn lên với vẻ mặt ngỡ ngàng.
Không để ý thái độ của người phụ nữ, cô y tá vừa kéo nốt tấm màn sáo cuối cùng vừa nói:
– Bà nhìn này, con gái bà chu đáo lắm. Cô ấy treo ở đây một chiếc chuông gió & bảo tiếng chuông gió sẽ giúp bà ngủ ngon hơn.
Người phụ nữ nhìn trân trân chiếc chuông gió hình những cánh chim bạc viền kim tuyến. Phía dưới chiếc chuông đung đưa một mảnh giấy nhỏ ghi ba chữ: “Con yêu mẹ”.
Cô y tá mỉm cười:
– Bà nghỉ ngơi nhé, có gì cần cứ gọi tôi.
Cô y tá đi ra khỏi phòng. Ngay khi cánh cửa vừa khép lại, người phụ nữ trên giường ôm mặt khóc nức nở.
CAO BẢO VY