“Em đừng đùa với anh như thế chứ!”, Nam quát to và vứt toẹt xấp thiệp cưới xuống bộ ghế sôpha. Gương mặt anh đỏ bừng giận dữ. Thư ngỡ ngàng nhìn người yêu. “Chẳng lẽ lần này mình thật sự quá đáng?”, Thư nghĩ nhanh nhưng bản tính bướng bỉnh lại khiến cô buột miệng: “Em không đùa, đồng ý hay không tùy anh”. Ánh mắt Nam tối sầm, hai bàn tay nắm chặt. Chẳng nói chẳng rằng, anh quày quả bước ra cửa.
Còn lại một mình, Thư thừ người nghĩ ngợi, tay mân mê tấm thiệp cưới màu tím hồng do Trình Anh thiết kế. Nỗi bực tức từ Nam dường như đã lan sang cô, Thư cáu bẳn bấm số Trình Anh và nói như hét vào điện thoại: “Tất cả là tại bà, bày chi mưu mô để có đám cưới chứ?”.
“Hả?”, Trình Anh ngạc nhiên hỏi lại.
“Tui với ông Nam chắc xù luôn rồi, vừa lòng bà chưa?”.
“Tui không hiểu”.
“Tui đòi dời đám cưới để sang Anh”.
“Ôi trời, bà đang mang thai mà, bác sĩ dặn là…”.
“Tui cảm thấy khỏe, chỉ tại ổng không tin”.
“Ôi trời ơi, bà lại chọc giận chú lùn nữa rồi. Đợi đấy, tui sang ngay!”.
Thư cúp máy, vứt điện thoại lên xấp thiệp cưới đang nằm ngổn ngang. Cô liếc nhìn dòng chữ Nguyễn Bảo Nam và Lê Ngọc Anh Thư xoắn vào nhau một cách khéo léo mà ấm ức muốn khóc. Suốt hơn mười năm nay, Bảo Nam luôn chiều theo ý cô, cũng đâu phải lần đầu cô đòi dời đám cưới, thế mà…
Mười phút sau, Trình Anh xuất hiện. Nhìn vẻ mặt đưa đám của Thư, Trình Anh rối rít:
– Thôi nào, thôi nào, chuyện gì?
– Chẳng có gì cả, tui đòi dời đám cưới sang tháng Mười để qua Anh, vậy là tự dưng lão nổi nóng. – Thư dấm dẳng.
– Tự dưng sao được, đây là lần thứ ba bà đòi dời đám cưới rồi. Hơn nữa, bác sĩ dặn bà không được di chuyển nhiều.
– Tui cảm thấy rất khỏe, vả lại qua Anh, tui vẫn có thể đi khám thai định kỳ mà. Thiết bị y tế còn tối tân hơn ấy chứ!
Trình Anh thở dài. Cô chẳng lạ gì tính bướng bỉnh của Thư. Là bạn thân chung nhóm với Thư và Bảo Nam đã mười mấy năm, Trình Anh vẫn hay bảo: “Số Thư may phước mới gặp Bảo Nam, nếu không, chắc chắn ế”.
*****
Thư và Trình Anh vốn là sinh viên trường Kiến trúc. Bảo Nam học trường Kinh tế. Cùng với ba người bạn khác ở trường Văn Tổng hợp, họ gặp nhau trong một lần giao lưu giữa các trường đại học và hợp thành nhóm sáu người. Trong nhóm, chỉ có Thư là dân Sài Gòn, năm người kia đến từ năm tỉnh khác nhau nhưng Bảo Nam ở xa nhất, mút tận Thái Bình. Gia cảnh anh cũng khó khăn nhất nhóm.
Thời gian đầu, Trình Anh và ba người bạn kia không thích cho Bảo Nam vào nhóm vì anh đi xe đạp. Cái lý do đầy tính phân biệt giai cấp và mang nhiều khắc nghiệt hơn là buồn cười. Chỉ có Thư nhất quyết kết nạp Bảo Nam vì: “Nam hiền lành và dễ thương. Thư nhìn người chứ không nhìn xe”. Bảo Nam nhận ra vẻ miễn cưỡng của bốn người bạn còn lại nên ngoài giờ học, anh làm ngày làm đêm. Cuối cùng, anh cũng tích cóp đủ để mua một chiếc cúp 50 cũ, chở Thư vòng vèo dạo phố. Nam bảo: “Ráng có xe vào nhóm vì thích chơi với Thư”. Thư cười tít mắt, không nhận ra đó là lời tỏ tình kín đáo.
Kể cũng lạ, không hiểu Nam yêu Thư vì lý do gì. Tất cả những đặc trưng của phái yếu như: dịu dàng, thùy mị, nhõng nhẽo… đều gần như “tuyệt chủng” ở Thư. Tính Thư rất đàn ông, phóng khoáng, rộng rãi và thẳng đuồn đuột. Thư nghiện cà-phê đen không thua các anh chàng nhưng còn may, cô không đụng vào thuốc lá và rượu bia. Nếu không có mái tóc dài và những chiếc áo sơ-mi vải hoa mềm mại, Thư gần như mất hẳn vẻ nữ tính. Đôi khi ngẫm nghĩ, Thư cũng không hiểu người lành tính như Nam sao lại yêu cô nàng đanh đá như mình. Chẳng lẽ Nam cảm kích vì Thư nhìn người chứ không nhìn xe?
Về phần mình, Thư chưa bao giờ nghĩ sẽ nhận lời yêu Nam, đơn giản vì Nam chỉ cao một mét sáu, thua Thư những bảy tấc. “Người yêu phải cao hơn mình ít nhất năm tấc, đứng cạnh nhau mới xứng đôi chứ”, Thư vẫn hay nói thế. Cũng vì cao khiêm tốn nhất nhóm nên Nam có biệt danh chú lùn. “Gì mà rườm rà, kêu Lùn cho gọn”, Thư cười khanh khách và cô làm thật. Suốt những năm tháng sinh viên, Thư vẫn hay réo Nam: “Lùn ơi, qua chở tui đi ăn”, “Lùn, rảnh không, đi coi ca nhạc”,… Dù bị gọi một cách đầy “xúc phạm” như thế, Nam vẫn không giận mà chỉ cười hiền lành.
*****
Sau khi ra trường, Thư vào làm ở một công ty kiến trúc có tiếng của thành phố. Nam đầu quân cho một công ty thực phẩm. Cũng năm đó, Nam tỏ tình với Thư bằng bó hoa hồng ở một quán cà-phê lãng mạn, theo cái cách mà mỗi khi nhắc lại, Thư vẫn bảo: “Sách vở quá trời, chẳng có tí sáng tạo nào cả”. Khi ấy, dĩ nhiên Thư lắc đầu nguầy nguậy và từ chối một cách phũ phàng: “Ông lùn quá, làm sao tui yêu?”. Một năm sau, Nam tỏ tình lần nữa ở quán cà-phê cũ và lần này, Thư gật đầu vì: “Chắc tui bị ông ám rồi, đêm nào nằm mơ cũng thấy ông hết!”. Vậy là yêu nhau!
Yêu Nam, Thư phải hy sinh bộ sưu tập giày cao gót của mình. Cô chuyển sang sưu tập giày búp bê, sandals, giày thể thao, dép quai kẹp… tóm lại là tất cả những thứ không khiến cô đã cao càng cao hơn Nam. Những thứ ấy đi với váy dài thướt tha lại không hợp. Thế là Thư cắt phăng mái tóc dài, để tóc ngắn, phục trang theo phong cách Tomboy, trông ngổ ngáo như một thằng con trai. Nhìn người yêu thay đổi, Nam dịu dàng bảo: “Em trông thế nào cũng đẹp, thế nào anh cũng yêu nhưng em không cần hy sinh sở thích vì anh. Anh không ngại em cao hơn đâu, anh nói thật đấy!”. Thư cười toe toét. Cô cũng chẳng ngại chuyện cao thấp, chỉ sợ Nam buồn.
Tuy người ta hay bảo tình yêu là chuyện của hai người nhưng hình như diện mạo của đôi tình nhân lại là chuyện của rất nhiều người. Lần đầu tiên hẹn nhóm bạn để công khai tình yêu, Thư và Nam không khỏi choáng trước bốn gương mặt mắt chữ O, mồm chữ A. Trình Anh buột miệng: “Nam lùn hơn mày mà?”. Ba người bạn kia nối tiếp nhau: “Ờ, sao bảo chỉ yêu người cao hơn ít nhất năm phân?”. Thư líu lưỡi mất ba giây rồi đốp chát: “Bây giờ tao thích yêu người lùn, không được sao?”. Nam cười hiền lành, đánh trống lảng để Thư hạ hỏa: “Chầu này Nam khao để ăn mừng đeo đuổi Thư thành công”.
Sau một tháng yêu nhau, Thư dẫn Nam về ra mắt gia đình. Nhà Thư chẳng lạ gì Nam, ai cũng quý Nam nhưng tin hai người yêu nhau lại là chuyện khác. Mẹ Thư e dè: “Nó lùn quá, đứng cạnh con trông không đẹp. Nhỡ sau này sinh con ra cũng lùn như nó thì…”. Em trai Thư mỗi khi nhìn chị hai sửa soạn đi chơi lại bảo: “Mang giày thấp thôi, đã yêu người lùn mà còn diện giày tấc hai”. Bố Thư nhẹ nhàng hơn: “Thôi, kệ nó, quan trọng là tính tình thằng Nam tốt”. Chưa hết, đồng nghiệp Thư thấy Nam đến đón cô lại trêu: “Hai đứa ngồi xe thì xứng, đứng thì hơi lệch”.
Thư vốn dĩ không phải loại người dễ bị tác động. Cô vốn ngang tàng, chẳng mấy khi để ý lời thiên hạ xầm xì nhưng nghe mãi điệp khúc chuyện thấp cao, Thư đâm bực. Gặp Nam, cô cũng cáu bẳn, càu nhàu anh chuyện cao thấp. Sợ Thư đòi chia tay, Nam nói như khóc: “Anh cũng ráng đi tìm giày cao rồi nhưng giày cho nam chỉ cao cùng lắm năm phân thôi. Anh tính đi đóng giày nhưng thợ nói giày nam cao quá nhìn kỳ”. Nhìn vẻ mặt đầy hối lỗi của anh, Thư chợt thấy mình vô lý. Cô ôm lấy anh vỗ về: “Em xin lỗi. Chuyện cao thấp chẳng quan trọng đâu, anh đừng để tâm”.
Ba ngày sau, Thư tổ chức một bữa tiệc, mời tất cả người thân và bạn bè đến dự. Khi khách mời đã đến đông đủ, Thư khoác tay Nam xuất hiện. Cô diện một chiếc đầm dạ hội lệch vai màu xanh ngọc đi cùng đôi giày trắng cao tròm trèm một tấc. Nam diện áo vest xám, trông lịch lãm như một quý ông đi hỏi vợ nhưng chỉ đứng nhỉnh hơn vai Thư một tí. Nhìn khắp lượt mọi người đang trố mắt, Thư nâng ly champagne tuyên bố: “Hôm nay là ngày chúng tôi chính thức công khai tình yêu, rất cảm ơn mọi người đã nể mặt đến dự”. Dứt lời, Thư cúi xuống hôn Nam thật nồng nàn. Khách mời ngớ ra mất ba giây mới gượng gạo vỗ tay. Kể từ sau hôm đó, chẳng ai nhắc đến chuyện Thư cao Nam thấp nữa.
…………………………………………………………………………………………………….
Để đọc trọn vẹn truyện ngắn này, bạn có thể tìm mua cuốn Nghe sô-cô-la kể chuyện tình của Cao Bảo Vy.
thật là cảm động:X