Truyện ngắn này từng đăng trên Tiếp thị & Gia Đình. Tôi viết truyện sau một chuyến công tác ở tỉnh Long An & ghé thăm một ngôi nhà từ thiện chuyên nuôi nấng và chăm sóc các bà bầu lỡ dại. Để hiểu hơn cảm hứng của truyện ngắn này, bạn có thể đọc tại đây.
Hì hục mãi, cuối cùng Thị cũng trèo lên được chạc ba của cây mít. Cô ngồi vắt vẻo trên ấy và ôm cái bụng bầu thở dốc. Làn gió mát rượi thổi từ phía sông lên làm lòng Thị dịu lại một chút. Thị đong đưa hai chân, khoan khoái nghĩ đến ngày còn bé hay cùng hắn trèo cây hái trộm ổi của ông Ba làng bên. Nghĩ đến đó, Thị đã giật bắn mình, tự vả vào mặt liên tiếp. “Đã bảo không được nghĩ đến hắn rồi mà, tên đàn ông khốn nạn ấy!”, cô sỉ vả mình.
Thị nhìn xuống mặt đất. Nền đất đang khô cứng lại dưới cái nắng chói chang. “Chỉ một cái là xong”, Thị lẩm bẩm và đưa hai tay vịn thân cây, từ từ đứng thẳng lên. Hít một hơi sâu, Thị khom người và nhảy xuống. Cái bụng lum lúm đập thẳng vào nền đất đau điếng.
Cố kềm tiếng xuýt xoa, Thị lồm cồm bò dậy. Một cách vô thức, Thị đưa tay xoa bụng rồi khó nhọc đứng lên, háo hức nhìn xuống chỗ mình ngã. Trống trơn. Chỉ có lá cây và bụi. “Thế là sao?”, mặt Thị cau lại.
Thị xem xét kỹ quần áo, không có một vết tích gì. Cáu tiết, Thị chạy ù vào nhà tắm, vạch quần xem. Mọi thứ vẫn bình thường. “Ôi trời ơi, thế có khốn nạn không cơ chứ?”. Thị nhảy từ trên cao xuống mà cái thai vẫn chẳng hề hấn, không có lấy một giọt máu nào. Nó lì y như thằng cha nó vậy.
Thằng cha nó chẳng ai khác hơn là gã bạn nối khố của Thị. Nhà hắn và nhà Thị cách nhau hai ngõ. Thuở bé, hai đứa vẫn thường nắm tay nhau tung tăng đi học. Lớn lên, Thị trổ mã, đẹp nhất nhì vùng. Hắn nghiễm nhiên trở thành vệ sĩ của Thị. Hắn nổi tiếng lì đòn và sẵn sàng giáp lá cà với những ai dòm ngó Thị.
Những đêm trăng tròn, hắn dắt Thị ra bờ ao rồi lần tay mở từng cúc áo. Rồi hắn mân mê ngực Thị như của báu và cứ thế chiếm luôn cái ngàn vàng của Thị.
Khổ thân, Thị chẳng phản kháng cũng chẳng la làng. Vì yêu hắn nên hắn muốn gì, Thị cũng chiều tất. Được mấy con trăng, Thị bắt đầu thấy nôn nao, khó chịu.
Khi phát hiện mình có thai, Thị líu lưỡi bàn với hắn chuyện cưới xin. Thật không ngờ, hắn phủi tay như người ta ngồi ấm chỗ trên bờ đê rồi phủi mông đứng dậy.
Như chưa đủ trêu ngươi, vừa ruồng rẫy Thị mới hôm trước, hôm sau hắn đã mang trầu cau đi hỏi cưới con gái ông Ba. Ai chẳng biết ông Ba giàu có tiếng xứ này.
Lúc đó, Thị mới vỡ lẽ từ lâu hắn đã một chân đạp hai xuồng. Ngàn vàng của ai, hắn cũng chiếm nhưng chỉ hỏi cưới cô gái có của ăn của để. Còn Thị, đẹp chỉ để ngắm chứ làm sao bẻ ra cho vào bụng?
Ngày cưới của hắn, Thị nằm trên bộ ván, nước mắt tuôn như mưa. Cha mẹ Thị đoán chắc con gái khóc vì bị tình phụ nên thay nhau dỗ dành. Chẳng ai biết Thị khóc còn vì trót mang của nợ trong người. Nếu cha mẹ biết Thị có thai, những lời an ủi chắc sẽ bay mất để nhường chỗ cho đánh mắng và sỉ vả.
Bụng càng lớn, Thị càng lo ngay ngáy. Dạo này, mẹ Thị cứ hay quan sát gò ức của con gái phập phồng.
Thị chột dạ: “Chắc mẹ biết rồi cũng nên”. Thị lo sợ mẹ sẽ tra hỏi nên cứ tránh bà suốt.
Mỗi khi bà về nhà, Thị lại lẩn ra đồng. Bà ở nhà trên, Thị lánh xuống nhà dưới. Đến bữa cơm, Thị né mãi không xong nhưng cũng may, bà chỉ nhìn chứ chẳng hé răng hỏi nửa lời.
Vừa lo sợ vừa xấu hổ nên Thị ghét cái thai kinh khủng. Thị cứ mong nó biến phứt đi nhưng nó cứ lù lù ra đấy.
Không biết phá thai ở đâu, Thị tự phá bằng cách leo lên cây và nhảy xuống cho thai đập vào nền đất. Một lần, hai lần rồi ba lần, cái thai vẫn trơ trơ mặc cho Thị ngày đêm van vỉ nó trôi tuột ra. Đến khốn khổ với nó!
Thấm thoát, bốn tháng đã trôi qua. Thị mập lên thấy rõ. Bụng Thị đã bắt đầu lum lúp dù đã được quấn nhiều lớp vải. Bây giờ, không chỉ có mẹ mà cha cũng nhìn Thị dò xét. Hàng xóm cũng bắt đầu xì xầm sau lưng Thị.
Đêm đến, Thị gác tay lên trán, nước mắt lại chảy. Thị chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc cùng đường đến thế này. Bên kia vách, cha mẹ Thị cũng trằn trọc và thở dài.
Chỉ vì hắn mà Thị cơ khổ cả đời. Khổ nhất là những lời gièm pha của thiên hạ đang chực chờ xổ tung ngay khi bụng Thị rõ mười mươi là đang mang hình hài một đứa bé.
Càng nghĩ, Thị càng hoảng sợ. “Không được, minh không thể chờ đến lúc ấy mà mang nhục”, Thị lẩm bẩm và suy tính.
Một đêm kia, chờ đến thật khuya, khi bên kia vách, cha mẹ đã say ngủ, Thị nhỏm dậy, lần mò gói ghém quần áo cho vào túi. Sau đó, Thị lấy than ghi nguệch ngoạc vài dòng nhắn gửi lên vách rồi theo cửa sau bươn bả vào màn đêm đặc quánh.
***
“Con ơi, dậy ăn chút gì đi”, giọng sơ Thùy vang lên nhẹ nhàng xen lẫn nài nỉ. Thị vẫn nằm im. Mùi cháo thơm không mảy may làm khứu giác Thị động đậy. Thị cứ nằm đấy bất động.
Thị ở nhà bầu này đã được hai tháng rồi. Sau cái đêm bỏ nhà ra đi ấy, Thị vét hết số tiền có được và đập cả ống heo, bắt đại một chuyến xe đò. Xe xuống bến, Thị xuống theo và lang thang khắp đầu đường xó chợ.
Đến lúc sắp chết đói và cơ thể hôi hám như con chó ghẻ, Thị may mắn gặp được một bà sơ. Bà đưa Thị về nhà bầu này. Đến tận khi ấy, Thị mới biết mình đã đặt chân đến Long An. Nhà bầu này vốn do hai bà sơ của dòng Thiên Chúa giáo xây dựng và là chốn nương thân cho các cô gái lầm lỡ. Các sơ đã đi tìm mạnh thường quân nhờ giúp đỡ rồi gom góp vốn xây căn nhà này.
Xung quanh nhà, họ rào vườn trồng rau để có thêm thức ăn. Ngôi nhà đơn sơ, ấm áp nhưng không hiểu sao nó chẳng giúp tâm trạng của Thị khá hơn.
Càng ngày, Thị càng ốm. Thị gần như chỉ húp cháo cầm hơi chứ chẳng nuốt nổi miếng cơm nào. Hai con mắt của Thị lồi hẳn ra ngoài, nhiều hôm nhìn chỉ như còn tròng trắng. Thị như chẳng còn chút sinh khí, cứ vật vờ, lờ đờ trong nhà bầu như một bóng ma.
Từ ngày đến đây, Thị vẫn chưa hề hé răng nói lời nào. Hai sơ cũng không dám hỏi Thị nhiều về cái thai trong bụng. Sơ Thùy rất tinh ý và biết Thị ghét cái thai lắm.
Cứ nhìn cái kiểu dăm ba phút, Thị lại đập tay lên bụng bình bịch là đủ hiểu. Những lúc ấy, sơ Thùy chạy vội lại, kéo tay Thị ra. Sơ vuốt ve nhẹ nhàng lên cái bụng Thị và ấn Thị ngồi xuống gường. Thị không phản kháng. Cả thân người cứng đờ, hai con ngươi mở lớn nhìn vào khoảng không trước mặt một cách thất thần.
Sơ Thùy sợ Thị làm điều dại dột nên chẳng dám bỏ đi đâu. Sơ ngủ cùng phòng với Thị. Chốc chốc, bà lại nhỏm dậy trông chừng Thị.
Mỗi đêm, Thị ngủ được hai tiếng là nhiều. Thường, Thị cứ nằm đó, mắt chong chong nhìn lên nóc màn, vành môi cứng đờ, cả gương mặt như được đúc bằng sáp, chẳng có chút cảm xúc gì.
* * *
Một hôm, Thị đang nằm vật vờ trên giường bỗng giật mình nghe tiếng con gái líu lo: “Ôi, nhà mình đẹp quá, may phước cho con được vào đây ở”.
Thị nhíu mày: “Quái, ai thế nhỉ?”. Vừa lúc ấy, giọng sơ Thùy vang lên: “Ừ, con cứ ở đây với các sơ đến khi sinh nở xong hãy tính”.
Thị lẩm bẩm: “Lại một đứa dại như mình”. Chỉ thế, rồi Thị lại rơi vào trạng thái lặng câm như mọi ngày.
Thế nhưng Thị không yên ổn được lâu. Đứa con gái líu lo khi nãy đã ào vào phòng Thị. Trông thấy Thị, nó khựng lại một chút rồi lại líu lo: “Em chào chị, em mới đến, chị ở đây lâu chưa?”.
Thị nhìn nó, chẳng buồn trả lời. Nó chắc chỉ mới mười tám hay mười chín tuổi, bụng cũng đã to. Thị ước chừng nó mang thai khoảng năm hay sáu tháng.
Thấy Thị lặng thinh, nó hơi chột dạ nên nín khe. Giữa lúc nó đang lúng túng, sơ Thùy bước vào. Sơ sắp xếp chăn màn cho nó rồi quay sang bảo Thị: “Em Cúc sẽ ở đây với con. Sơ ngủ ở gian ngoài với sơ Hà. Hai chị em đỡ đần nhau nhé”. Con bé mới đến vâng dạ lia lịa còn Thị vẫn nằm im lìm.
Nhìn Thị, sơ lại thở dài. Đoạn, sơ ra hiệu cho Cúc đi theo mình. Họ nói gì đó thì thầm. Mặc, Thị chẳng quan tâm.
Thế nhưng Thị biết họ không có ác ý. Vì sau đó, con bé Cúc đến bên giường Thị, xoa nắn tay chân cho Thị và thủ thỉ: “Em nghe sơ Thùy kể hết rồi, em thương chị quá”.
Thị vẫn trơ trơ, bụng nhủ: “Thân mày lo chưa xong, thương ai?”.
***
“Chị ơi, dậy đi chị, em với chị ra ngoài tắm nắng nhé”, giọng Cúc líu lo. Thị cau mày nghĩ: “Tắm nắng? Quý tộc quá nhỉ” nhưng vẫn không hé răng. Dường như Cúc cũng chẳng đợi Thị đồng ý nên đã mau mắn dọn dẹp chăn màn và đỡ lưng Thị dậy. Thị đã quen không phản kháng nên dù khó chịu, Thị vẫn để mặc Cúc muốn làm gì thì làm.
Cúc kéo Thị ra ngoài vườn rau. Ở ngay bậc thềm trong ra vườn đã có sẵn hai chiếc ghế nhỏ. Cúc ấn Thị ngồi xuống ghế và quày quả đi vào trong. Thị ngước nhìn. Trong đôi mắt trắng dã hiện lên bóng khu vườn nhỏ với những thửa đất mới xới lên. Màu xanh của mầm non hòa quyện với màu nâu của đất thành một bức tranh thật bình yên. Thị chun chun mũi hít thở.
Mùi hoa nhài phảng phất đâu đây. Thị nhóng mắt tìm kiếm. Kia rồi, ngay sát góc vườn là một chậu hoa nhài đang nở hoa trắng nõn. Thị vốn thích hoa nhài nên cha cũng trồng cho Thị một cây ngay trước sân nhà. Từ ngày bỏ nhà đi, Thị chưa nghe lại mùi hoa này bao giờ. Thì ra ở đây cũng có hoa nhài mà bấy lâu Thị chẳng biết.
Trong khi Thị vẫn đang chun mũi hít, Cúc đã quay ra. Cô cầm một chiếc khay, trên đặt hai ly chanh đá. Chẳng cần biết ý Thị thế nào, Cúc thản nhiên ấn ly nước vào tay Thị rồi khuấy ly của mình, đoạn ngửa cổ tu ừng ực.
Rồi Cúc quệt miệng, nói liên hồi: “Vườn rau nhà mình xanh tươi chị nhỉ. Vườn rau nhà em cũng xanh thế đấy. Nhìn cảnh này, em nhớ nhà quá đi mất. Nhà em ở tận An Giang cơ, cũng có vườn cây này, rồi rau xanh… Mẹ em nấu ăn ngon phết chị ạ, có mấy món rau mà bà chế đủ kiểu. Em chỉ học được năm phần của bà”.
Cúc ngừng nói, đặt ly nước xuống, đứng dậy và đi loanh quanh. Cô xoa hai tay vào nhau và tập vài động tác thể dục đơn giản.
Vừa ưỡn người, Cúc vừa kể tiếp: “Nhà em có đến năm anh chị em. Em là út mà hư thân lắm, mang bụng chửa về nhà. Mà nào em có muốn đâu”.
“Em bị một thằng ma cô vật ra giữa đồng, chẳng ai đi ngang mà cứu. Em xấu hổ, chẳng dám kể ai nghe, cũng chẳng biết nó là ai. Hôm đó trời tối đen, đến bày tay em còn không thấy. Sau đó, bụng em to lúc nào chẳng biết”.
“Mẹ em khóc như mưa. Mấy anh chị xách tai em, mắng tru mắng tréo. Cha em điên tiết đuổi em ra khỏi nhà. Chỉ có mẹ giúp em gói ghém quần áo và dấm dúi cho vài đồng bạc lẻ”.
“Em bắt xe đò rời khỏi quê rồi lang thang khắp nơi. Mấy hôm trước, em ở trên Sài Gòn. Khổ lắm chị ơi. Em đói bụng quá mà chẳng có tiền, phải đi bán máu để mua bánh mì không gặm đỡ. Em không dám ăn bánh mì thịt vì sợ hết tiền. Đêm, em nằm co ro ở bến xe ngủ đỡ, lạnh chết được. Vạ vật thế ba hôm, em gặp được sơ Hà, sơ đưa em về đây. Trời còn thương em chị ạ”.
Lòng Thị chợt run lên nhè nhẹ. Nỗi đau của Thị như vừa được vỗ về. Thì ra đời Cúc còn chua chát hơn đời Thị. Thế nhưng sao nó cứ phơi phới thế kia nhỉ? Nó kể chuyện bi đát của đời nó mà giọng cứ nhẹ bẫng như không.
Cúc thở dài đánh mượt. Một lúc Cúc lại ngồi bên Thị, tu thêm ngụm nước rồi lại líu lo: “Cái số đàn bà khổ thế, chị ơi. Từ nhỏ, em đã nghe mẹ em bảo vậy. Mẹ em còn nói trời bắt đàn bà khổ nhưng cũng còn thương nên cho họ có đứa con. Chỉ cần có đứa con, họ sẽ đủ sức mạnh vượt qua hết”.
“Hả? Sao? Cái của nợ này sẽ giúp mình vượt qua mọi khốn khổ mà mình đang gánh chịu à?”, Thị nghĩ thầm trong bụng.
Chép miệng, Cúc xoa xoa bụng, nói tiếp: “Em chẳng biết mẹ em nói có đúng không nhưng bà có đến năm đứa con, chắc cũng có phần đúng. Thế nên, em mong đứa con này chào đời lắm. Có nó thì ít ra em không còn một mình , không người thân thích như bây giờ”.
Chợt Cúc reo lên: “Chị ơi, con em nó đạp này”.
Rồi Cúc cầm tay Thị đặt lên chiếc bụng tròn ủm. Con Cúc đang đạp thật. Cúc cười tít mắt rồi chồm qua, đặt tay lên bụng Thị hớn hở: “Con chị cũng đang đạp này”.
Cúc cầm bàn tay kia của Thị đặt lên cái của nợ mà ngày đêm Thị mong nó trôi tuột ra. Nó đang đạp, từng nhịp, từng nhịp giật giật. Làn da bụng của Thị cũng giật theo.
Bàn tay Thị run run. Đây là lần đầu tiên Thị cảm thấy sự sống của tội nợ này rõ rệt như thế. Nó cứ đạp liên hồi vào bụng Thị như muốn chui ra. Hẳn nó muốn chui ra ngắm vườn rau, tắm nắng và ngửi hương hoa nhài lắm.
Thế mà đã có lúc Thị mang nó nhảy từ trên cao xuống để mong nó chết đi cho xong.
Thị bặm môi, nước mắt lăn dài trên má. “Ôi, con của mẹ”, Thị run run giọng lẩm bẩm. Cúc thấy Thị khóc cũng mếu máo theo. Hai chị em ôm lấy nhau bật khóc ngon lành giữa hiên nhà đầy nắng.
***
Thị trở mình, ngửa cổ nhìn trăng tròn vành vạnh bên ngoài cửa sổ. Bầu trời trong vắt dưới ánh sáng dịu nhẹ của trăng và không gợn chút mây.
Hôm qua, sơ Thùy đưa Thị coi một mẩu tin tìm người. Cha mẹ đang tìm Thị. Có cả tấm hình Thị chụp chung với cả nhà hồi lên Cần Thơ thăm bà con. Cha mẹ bảo sẽ bỏ qua hết, chỉ cần Thị trở về nhà. Chắc mẹ Thị khóc nhiều lắm. Còn ba Thị hẳn ngồi rít thuốc ngoài sân cả đêm. Ngẫm nghĩ một hồi, Thị nhận ra mình thật tệ quá.
Con Cúc nhìn thấy tin tìm người thân của cha mẹ Thị. Nó cứ ngồi đọc đi đọc lại rồi bỏ ra vườn khóc rấm rứt. Dăm phút sau, nó lại quay vào cười nói líu lo. Thị biết nó buồn lắm nhưng cố gượng để sống. Thị thấy mình may mắn hơn nó và thấy thương nó thật nhiều.
Ngày mai, Thị sẽ gọi điện về báo tin cho cha mẹ. Thị sẽ nói cha mẹ yên tâm đi, Thị vẫn mạnh khỏe. Con Thị cũng vậy và các sơ rất tốt. Nhưng Thị chưa thể về được. Không phải Thị sợ điều tiếng xóm giềng nhưng Thị muốn ở bên Cúc. Đợi cả hai mẹ tròn con vuông, Thị sẽ về.
Biết đâu, cha mẹ Thị sẽ bảo đưa Cúc về luôn. Biết đâu, con Thị là con trai và con Cúc là con gái, lớn lên chúng sẽ lấy nhau. Ừ biết đâu!
CAO BẢO VY