Truyện ngắn này từng đăng trên tạp chí Tiếp thị & Gia đình
Ngày thứ 142
– Mẹ ơi, mẹ, con đau quá, con khó thở quá mẹ ơi!
– ….
– Mẹ ơi, mẹ đâu rồi, cứu… cứu… cứu… con
– …
– Mẹ ẹ ẹ…
– Con gái, con gái… mẹ đây, con ơi!
– Mẹ, mẹ ơi!
– Con gái, con có sao không?
– Khi nãy con khó thở lắm nhưng bây giờ con thở được rồi. Mẹ ơi, sao khi nãy mẹ không trả lời con?
– Mẹ xin lỗi con gái, mẹ đau quá nên ngất đi một lúc. Bây giờ không sao rồi con ạ, con dựa vào lòng mẹ đi, mẹ sưởi ấm cho con nhé! Con có thấy dễ chịu chưa?
– Dạ, con thích lắm, con thích được mẹ ôm như thế. Mà mẹ ơi, khi nãy xảy ra chuyện gì vậy mẹ? Con nhớ mẹ đang hát ru con ngủ rồi bỗng dưng con đau điếng cả người và không nghe thấy giọng mẹ nữa.
– Mẹ xin lỗi con gái, mẹ con mình bị trượt chân nên hơi choáng một chút thôi ấy mà, không sao đâu, mọi thứ đã ổn hết rồi. Mẹ hát ru con ngủ nhé, con ngủ lại nhé, à ơi… con ngủ cho ngoan… ru à à ơi…
Ngày thứ 143
– Mẹ ơi, sáng rồi, mẹ dậy đi mẹ ơi!
– …
– Mẹ ơi… mẹ ơi…
– À… ừm… mẹ đây, mẹ đây con yêu…
– Mẹ ơi, sao mẹ nói nhỏ vậy?
– Mẹ hơi mệt một chút, không sao đâu. Chào buổi sáng, con gái yêu của mẹ!
– Mẹ ơi, mình đi tập thể dục đi nào. Mẹ dẫn con ra xem chậu hoa phong lan bố mới mua đi. Nó ở trên sân thượng nhà mình phải không mẹ? Nó đẹp không mẹ?
– À… ừm… con gái ơi, có lẽ hôm nay mình chưa đi tập thể dục được. Ngày mai đi nhé, ngày mai mẹ con mình đi.
– Sao vậy mẹ?
– Con nhớ hôm qua mẹ con mình bị trượt chân không? Mẹ vẫn còn mệt lắm con à, mẹ phải nằm trên giường thôi, chẳng đi đâu được cả.
– Mẹ ơi, mẹ có sao không?
– Không sao, mẹ không sao mà, mẹ nằm nghỉ một chút sẽ khỏe.
– Vậy con hát ru cho mẹ ngủ nhé! Ngày mai con sẽ không đánh thức mẹ dậy sớm nữa đâu. Mẹ ngủ đi mẹ, à ơi… mẹ ngủ cho ngoan… ru à à ơi…
Ngày thứ 145
– Mum mum mum… ngon quá mẹ ơi!
– Ngon thì ăn thêm đi con nhé, ăn cho mau lớn để chào đời.
– Mẹ ơi, sau này ra ngoài rồi, con có được ăn ngon như thế này nữa không?
– Ngon hơn nhiều ấy chứ, sau này con sẽ tự ăn, tự nhai, con sẽ cảm nhận được mùi vị của thức ăn.
– Mùi vị của nó như thế nào hả mẹ?
– Nhiều lắm con à, ngọt này, mặn này, chua này, cay này, beo béo nữa này, nói chung là nhiều vô số kể nhưng con phải ngoan, ăn nhiều, ngủ nhiều, mau lớn thì mới được nếm được nhiều món, biết được nhiều mùi vị khác nhau.
– Thế khi mới chào đời, con sẽ ăn cái gì trước hả mẹ?
– Con sẽ uống sữa, sữa của mẹ này con à, nó ngọt nhè nhẹ và thơm lắm!
– Thế mẹ cho con uống bây giờ luôn đi!
– Chưa được con à, khi nào con ra khỏi bụng mẹ, ngực mẹ mới tiết sữa và con mới uống được.
– Mẹ ơi, sau khi con chào đời rồi, mẹ có ôm con như thế này không?
– Có chứ nhưng mẹ sẽ ôm theo một cách khác. Mẹ sẽ không giữ con trong bụng nữa mà sẽ ôm con bằng cả hai tay, đặt con lên bầu ngực nóng của mẹ. Con cũng sẽ như bây giờ, nghe được từng nhịp đập của trái tim mẹ, nghe được hơi nóng ấm áp của mẹ đang quyện lấy con nhưng sẽ càng thích hơn nữa vì con sẽ được sờ vào da mẹ, áp má vào ngực mẹ và được mẹ hôn thật thật nhiều.
– Mẹ vẫn sẽ ôm con suốt thế này chứ? Có lúc nào mẹ mỏi tay và buông con ra không?
– Mẹ sẽ ôm con nhiều thật nhiều nhưng sẽ có những lúc mẹ phải nhường con cho bố, bà ngoại, bà nội và rất nhiều những người thân khác của mình nữa con à! Ai cũng yêu con hết nên ai cũng muốn ôm và hôn con hết, con gái yêu à! Nhưng mẹ sẽ không bao giờ bỏ con đâu, ngay cả những lúc mẹ nhường con cho bố ôm thì mẹ vẫn sẽ ở đó, vẫn nhìn thấy con, vẫn chạm vào làn da và lắng nghe hơi thở của con. Mẹ sẽ luôn ở bên cạnh con, con yên tâm nhé!
– Mẹ cũng yên tâm đi nhé, vì con cũng sẽ luôn ở bên cạnh mẹ.
Ngày thứ 152
Nà nà na na ná ná na… Ná ná na na na na nà…
– Mẹ ơi, hình như là tiếng bố, mà hình như không phải!
– …
Nà nà na na ná ná na… Ná ná na na na na nà…
– Là tiếng bố, con gái ơi, bố đang hát cho con nghe đấy!
– Nhưng sao con nghe cứ là lạ thế nào ấy!
– Vì bố đang khóc đấy con yêu à, mẹ con mình nằm trên giường lâu quá, không đi xem phong lan của bố, bố buồn nên bố khóc đấy!
– Giọng mẹ bây giờ cũng lạ luôn rồi, mẹ đang khóc hả? Con cũng khóc luôn đây, hức hức…
– Nín đi con yêu, mẹ thương bố, thương con quá… Con đừng khóc, trẻ con khóc không tốt đâu…
– Mẹ cũng đừng khóc, mẹ nằm nghỉ một chút sẽ khỏe ngay thôi mà, rồi mẹ con mình lại đi ra vườn, ngắm phong lan của bố.
– Ừ, mẹ không khóc nữa, con cũng đừng khóc nữa nhé! Con ngủ đi, bố đang hát ru con ngủ đấy, mẹ hát theo bố luôn nhé… Nà nà na na ná ná na… Ná ná na na na na nà…
Nà nà na na ná ná na… Ná ná na na na na nà…
Ngày thứ 161
Quang đứng như chôn chân bên ngoài phòng hồi sức của bệnh viện, mắt nhìn chăm chăm xuyên qua lớp kính dày. Bên trong, một sản phụ đang nằm trên giường với đủ loại dây nhợ quấn quanh người. Chiếc bụng tròn lum lúp mang theo một sinh linh bé nhỏ của cô phập phồng lên xuống trong lớp áo bệnh nhân.
Quang cúi gằm mặt xuống đất, đôi môi mím chặt để ngăn tiếng nấc. Chỉ vì một phút lơ đãng khi lái xe, anh đã lủi lên vỉa hè, tông thẳng vào người mẹ trẻ đang đi bộ. Chị ngã vật xuống đường, bị chấn thương sọ não và hôn mê. Giờ đây, chị nằm đó với đứa con đang tượng hình, chưa biết khi nào sẽ tỉnh lại. Bác sĩ phải truyền chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch để giúp chị nuôi bào thai trong bụng. Nếu chị không tỉnh lại, đứa bé cũng sẽ chết theo mẹ. Quang đưa hai tay bưng lấy mặt, không kềm được, anh bật khóc rưng rức.
Một bàn tay đặt lên vai Quang và vỗ về nhè nhẹ. Quang quay lại và đối diện với đôi mắt trũng sâu, gương mặt hốc hác và buồn bã của một người đàn ông. “Anh Luân… em xin lỗi… em có chết cũng không hết tội”, Quang nấc nghẹn. Giọng Luân cũng nghẹn lại: “Thôi, em đừng nghĩ ngợi nhiều, ráng đi cải tạo tốt rồi về, chín năm cũng dài lắm. Cố làm lại cuộc đời em nhé! Còn mẹ con cô ấy… anh giờ chỉ biết trông vào ông trời thôi”.
“Còn số tiền bồi thường…”, Quang lại cúi gằm mặt.
“Bao giờ có thì gửi lại anh, nói ông bà đừng trả thay. Ông bà vất vả cả một đời và cũng quá đủ đau khổ rồi. Quan trọng là người còn, tiền của ấy giờ anh cũng chẳng biết để làm gì”, Luân bỏ lửng câu nói, dõi mắt nhìn vào phòng, nơi vợ và con anh đang cố giành giật lại sự sống. Hai người đàn ông nắm chặt tay nhau, mắt đỏ hoe.
Ngày thứ 172
Luân ngồi lặng lẽ bên giường bệnh, bàn tay anh xoa nhè nhẹ lên cánh tay mịn màng của người vợ yêu. Anh như còn nghe văng vẳng đâu đây giọng nói trong trẻo của Hiền trong điện thoại ngày hôm ấy: “Em đón taxi lên bệnh viện đây, anh cứ an tâm làm việc nhé! Siêu âm xong, em sẽ đi bộ đến nhà Ngân chờ anh đón nhé!”. Vậy mà, chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau, cô đã gặp tai nạn. Nếu ngày hôm ấy, anh chịu khó chạy về nhà chở Hiền đến bệnh viện, có lẽ chuyện xấu đã chẳng xảy ra.
“Anh xin em”, Luân thì thầm trong làn nước mắt, đôi môi run rẩy của anh áp chặt lên ngón tay đeo nhẫn cưới của vợ, “Anh xin em, đừng bỏ anh vào lúc này. Anh cần em, anh cần con, mất hai người anh cũng chẳng thiết sống nữa. Cố lên em ơi, vì anh, vì con, em cố lên! Nhà của mình vẫn chưa xây xong, anh vẫn để bức tường trong phòng con dang dở chờ em về chọn màu sơn, em đừng bỏ anh đi vào lúc này. Anh xin em”. Luân gục đầu lên tay vợ, đôi vai anh run bần bật.
Ngày thứ 185
Bà Mai nhịp đều đôi bàn tay thoăn thoắt, mắt bà dán chặt vào hai mũi kim đan len. Bà đan mải miết, đan như thể không còn thời gian. Đan xong chiếc mũ, bà còn phải đan thêm đôi tất và đôi găng tay cho cháu nữa. Con gái bà đã dặn thế mà. Sống mũi bà bỗng cay xè, những mũi đan trước mặt bà nhòe đi. “Không được khóc, chẳng còn thời gian để khóc nữa. Mình phải đan nhanh lên, kẻo cái Hiền tỉnh dậy lại nhằn mẹ chậm chạp”, bà vừa nhủ vừa nhịp nhanh đôi tay.
Nhưng nước mắt đã chảy thành giọt trên gương mặt bà tự lúc nào. Đôi môi bà đã ướt đẫm và mặn chát nhưng bà chẳng buồn dừng tay. Bà sợ nếu dừng tay lại, bà sẽ không kềm chế nổi, sẽ bật khóc tu tu như một đứa trẻ. Bà nhớ cái Hiền, nhớ quay quắt, nhớ cái hôm rằm tháng Giêng, nó mang thức ăn chay sang cho bà và khoe cái vạch thử thai hiện hai vạch màu hồng. Nó ôm chầm lấy bà, miệng cười mà mắt đỏ hoe: “Con sắp làm mẹ rồi mẹ ơi, con mừng lắm. Con trông mãi mới được đứa con này đấy mẹ. Con với anh Luân định lần này không được nữa chắc phải đi thụ tinh trong ống nghiệm, may mà trời thương chúng con. Con mừng lắm, con mong nó là con gái để con có thể tâm sự với nó, hủ hỉ với nó mọi điều như con với mẹ này”.
Nước mắt bà Mai tuôn ràn rụa khắp gương mặt già nua. Hai mũi kim trước mắt bà đã mờ hẳn. Bà không còn nhìn thấy gì nữa nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt đan như quán tính. Con gái bà đã mong mỏi được làm mẹ biết bao nhiêu. Nó đếm từng ngày từng tháng chờ con chào đời, nó mua bình sữa, khăn lông, mấy cái lục lạc màu sắc kêu bing boong… bày la liệt khắp căn phòng trọ bé tí. Vợ chồng nó dốc hết vốn liếng, chạy vạy mượn khắp nơi để xây căn nhà cấp bốn trên mảnh đất nhà chồng cho để chờ đón con chào đời. Ngày hôm ấy, nó tíu tít gọi khoe bà kết quả siêu âm là con gái, vòi bà đan ngay cho cháu một bộ mũ tất màu hồng. Vậy mà giờ đây, nó nằm đó, chẳng biết bà đến thăm. Bà khóc gào khản tiếng, nó cũng chẳng trả lời.
Thằng Luân không cho bà vào thăm cái Hiền nữa. Nó sợ bà lên cơn đau tim. Mà bà cũng chẳng dám vào nữa, bà sợ mình sẽ phát điên mà ôm ghì lấy con gái, lay gọi nó, bứt tung hết cả đống dây nhợ đang cột chặt nó vào giường bệnh. Giá mà bà chết thay cho nó được, bà cũng chết ngay. Ôi Hiền ơi, ôi cháu ơi…
Ngày thứ 197
– Mẹ ơi, mẹ nhìn này, mẹ thấy con lạ không?
– …
– Mẹ ơi, mẹ đâu rồi?
– …
– Mẹ ơiiiiiiiiii….
– Mẹ… mẹ đây, mẹ đây.
– Mẹ ngủ quên à? Mẹ ngủ quên mấy hôm rồi đấy!
– Mẹ xin lỗi con gái. Mẹ mệt quá!
– Mẹ nhìn con này!
– Ôi, con gái, con có ngón tay rồi đấy. Cho mẹ xem chân nào, ngón chân cũng có luôn rồi. Một, hai ba, bốn năm… Một, hai, ba, bốn, năm… đầy đủ hết. Ôi, con gái mẹ lớn rồi, sắp chào đời rồi đấy!
– Thật hả mẹ? Vậy là con sắp được uống sữa của mẹ rồi, thích quá!
– …
– Mẹ ơi?
– Mẹ đây.
– Mẹ khóc à?
– Mẹ sợ mẹ sẽ không được nhìn thấy con chào đời. Mẹ sợ lắm!
– Mẹ ơi, hức hức…
– Mấy hôm nay, mẹ thấy mệt lắm, mẹ rất khó thở. Mẹ sợ mẹ không cố được nữa. Mẹ cảm giác như sự sống đang rời xa mẹ, từng chút, từng chút một. Tay mẹ mỏi nhừ, chân mẹ đau, đầu mẹ cũng đau, mẹ sắp không gượng nổi nữa.
– Mẹ ơi, mẹ làm con sợ quá, hu hu hu…
– Con ngoan, nín đi con, mẹ sẽ không để chuyện gì xảy ra với con đâu. Mẹ con mình cùng cố lên nhé. Bố và bà ngoại đang chờ mẹ con mình đấy! Cố lên con!
– Mẹ ơi, mẹ ngủ một chút đi cho khỏe, con ru mẹ nhé… à ơi… mẹ ngủ cho ngoan… ru à à ơi…
Ngày thứ 203
Bác sĩ Thái nhướn đôi mắt qua cặp kính trắng, nhìn người đàn ông hốc hác ngồi trước mặt mình. Ông đã chuẩn bị rất lâu cho buổi nói chuyện này nhưng giờ lại không biết làm sao để mở lời. Đã hơn hai mươi năm hành nghề y nhưng mỗi khi thông báo tin xấu về bệnh nhân cho người thân của họ, ông vẫn cảm thấy khó khăn như ngày đầu. Mất một lúc lâu, bác sĩ Thái mới khẽ khàng lên tiếng: “Tôi rất tiếc nhưng tôi e vợ anh khó lòng qua khỏi. Trong trường hợp đó, đứa bé cũng sẽ đi theo mẹ nó”.
Luân nhìn trân trân vị bác sĩ trước mặt mình, giọng anh lạc hẳn đi: “Không còn cách nào thật sao bác sĩ?”.
“Có một cách để cứu đứa bé là tranh thủ đưa nó ra ngay khi mẹ nó còn sống nhưng sức khỏe chị nhà quá yếu, tôi sợ chị sẽ không chịu nổi cuộc phẫu thuật nhưng chờ đến khi chị ấy tắt thở, hy vọng cứu đứa bé sẽ rất thấp. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật, chúng ta phải tiến hành trong khoảng hai tuần nữa vì theo chẩn đoán, chị nhà chỉ có thể sống được đến lúc ấy”.
Luân câm lặng, đôi mắt mở to vô hồn. Anh như hóa đá.
“Anh cứ suy nghĩ và báo cho chúng tôi biết quyết định của gia đình càng sớm càng tốt. Tôi rất tiếc”, bác sĩ Thái kết thúc buổi nói chuyện trong tiếng thở dài.
Ngày thứ 207
– Mẹ ơi, bố nói gì với mẹ thế?
– Bố nói con sẽ chào đời vào tuần sau.
– Thật hả mẹ? Thích quá, con sắp được uống sữa của mẹ rồi, được mẹ ôm nữa chứ!
– Con gái, nếu con không còn gặp mẹ nữa, con có buồn không?
– Là sao mẹ, hức… hức…?
– Mẹ sợ mẹ sẽ không qua khỏi. Đến lúc đó, mẹ sẽ đi theo ông ngoại của con.
– Mẹ theo ông đi đâu?
– Đi xa lắm, một nơi không ai biết cả.
– Mẹ đừng đi, mẹ ở lại với con đi, hức hức…
– Mẹ xin lỗi, mẹ không muốn xa con đâu. Mẹ yêu con hơn mọi thứ trên đời, mẹ yêu con hơn chính bản thân mẹ nữa, con có biết không?
– Hức… hức…
– Nín đi con… nín đi, con khóc, mẹ đau lòng lắm…
– Hức… hức…
– Con nghe này, con gái, con có nghe tim mẹ đập không? Mẹ con mình chung một nhịp đập đấy, con có nghe không?
– Dạ cóóoó… hức… hức…
– Mỗi khi nhớ mẹ, con hãy đặt tay lên ngực nhé, đặt tay lên trái tim bé bỏng của con. Mẹ vẫn luôn ở đó, luôn ở cạnh con, lắng nghe và yêu thương con. Con có hiểu không?
– Dạ hiểuuuuu… hức… hức…
– Khi chào đời, con sẽ cảm thấy rất mệt nhưng con phải cố lên! Mỗi khi kiệt sức, con hãy áp tay lên ngực, mẹ sẽ luôn ở đó, vỗ về và yêu thương con, con biết không?
– Dạ… hức…
– Con ngoan, nín đi, mẹ ở đây với con mà, sẽ luôn là như vậy. Con ngủ một chút đi nhé… à ơi… con ngủ cho ngoan… ru à à ơi…
Ngày thứ 227
Bà cụ Phố lập cập chống gậy lên phòng Hồi sức Nhi. Vừa trông thấy Luân, đôi chân của bà quýnh quáng chạy lại, suýt nữa thì vấp té. Luân vội đưa tay đỡ lấy bà cụ. Bà siết chặt tay Luân, miệng lắp bắp: “Cháu nó sinh rồi phải không con?”.
“Dạ, cháu chào đời gần hai tuần rồi”.
“Mẹ nó thế nào?”.
Luân im lặng cúi đầu, nước mắt ứa ra. Bà cụ Phố khóc nức nở: “Bà xin cháu, cháu tha tội cho thằng Quang”, nói đoạn, bà cập cập rút trong giỏ xách ra một chiếc lọ thủy tinh đựng hạc giấy đủ màu, “Thằng Quang nó xếp này cháu. Ở trong tù, nó chẳng biết làm gì để giúp cháu nên xếp hạc để mong hai mẹ con qua khỏi. Cháu nhận cho nó yên lòng”.
Luân đón lọ thủy tinh từ tay bà cụ, cố nuốt nước mắt vào lòng. Không muốn làm bà cụ ray rứt thêm, Luân không nhắc chuyện cũ mà dắt tay bà cụ đến cửa phòng hồi sức: “Bà thấy cháu không? Cháu sinh non nên phải nằm trong lồng kính, cháu nằm thứ ba từ phải sang đấy!”. Bà cụ Phố cố nhướn đôi mắt già nua qua lớp kính dày, nhìn thấy một hình hài nhỏ xíu giữa đống dây nhợ chằng chịt. Làn da cô bé trong suốt, thấy rõ cả từng mạch máu. Bàn tay phải bé tí áp chặt lên ngực trái.
Như hiểu cái nhìn của bà cụ, Luân bảo: “Tay nó cứ áp lên ngực suốt bà ạ, có mỗi nó như thế thôi, chẳng đứa nào như thế hết! Bác sĩ cũng chẳng hiểu vì sao nhưng nó đang khỏe dần lên. Bà yên tâm nhé!”.
Ngày thứ 357
Bác sĩ Thái bước ra khỏi phòng Hồi sức Nhi, đôi mắt tinh anh sau cặp kính trắng như đang cười. Ông vỗ vai Luân: “Chúc mừng ông bố trẻ, sức khỏe con gái anh rất tốt, hơn hẳn các cháu khác. Cháu sinh non mà khỏe nhanh như vậy là thần kỳ lắm đấy. Hôm nay, tôi sẽ chuyển cháu ra phòng thường, theo dõi thêm đến thứ Hai là có thể xuất viện rồi”. Luân gần như ôm chầm lấy ông: “Cảm ơn, cảm ơn bác sĩ”. “Tôi chỉ giúp phần nào thôi, quan trọng là ý chí con gái anh rất mạnh mẽ. Sau này lớn lên, cháu sẽ cừ lắm đấy! Thôi, anh thay áo rồi vào thăm cháu đi”.
Luân đẩy cửa bước vào phòng, tiến lại gần chiếc giường bé xíu, nằm thứ ba từ phải sang. Con gái anh nằm đó ngủ yên lành, tay phải vẫn áp chặt lên ngực trái. Luân vuốt ve làn da mềm mịn của con, giọng thì thầm: “Bố biết mẹ vẫn ở đây với bố con mình. Bố biết mẹ vẫn ôm con vào lòng mỗi ngày và hôn con thật nhiều. Cố lên con gái nhé, cả gia đình chúng ta sẽ luôn ở bên nhau, bố biết là như thế!”.
CAO BẢO VY